Nhiệt điện Sông Hậu 2: Còn 3 điểm nghẽn lớn, bộ hợp đồng BOT có được ký đúng dự kiến?
Vĩnh Chi -
22/07/2019 09:51 (GMT+7)
(VNF) – Theo dự kiến, bộ hợp đồng BOT dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 sẽ được ký chính thức vào quý IV/2019, đóng tài chính dự kiến quý I/2021.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 có công suất 2.000 MW, gồm hai tổ máy, tổng diện tích khoảng 126,2ha, tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD (72.000 tỷ đồng), nằm tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia).
Dự án đã được phê duyệt F/S tại Quyết định số 1318/QĐ-BCT ngày 18/2/2014 của Bộ Công Thương. Việc đàm phán các tài liệu dự án bắt đầu từ tháng 5/ 2015.
Đến tháng 12/2015, nhà đầu tư đã ký tắt hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Hậu Giang. Còn đối với hợp đồng mua bán điện, từ tháng 8/ 2015, Công ty Mua bán điện và nhà đầu tư đã tiến hành nhiều phiên đàm phán về nội dung hợp đồng.
Hai bên đã kết thúc đàm phán và Công ty Mua bán điện đã báo cáo EVN. Theo yêu cầu của EVN, hiện nay Công ty Mua bán điện đang phối hợp với nhà đầu tư để chỉnh sửa lại một số nội dung liên quan đến than. Sau khi kết thúc, Công ty Mua bán điện sẽ báo cáo lại EVN để phê duyệt.
Về hợp đồng BOT và bảo lãnh chính phủ, từ tháng 5/2015, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều phiên đàm phán với nhà đầu tư.
Ngày 30/3/2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2782/BCT-TCNL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án và xin ý kiến chỉ đạo đối với một số vấn đề như: bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, luật áp dụng cho bảo lãnh chính phủ, sự kiện Chính phủ liên quan đến ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp, thuế đối với lãi vay, việc thanh toán khi chấm dứt sớm, khoản vay cổ đông thứ cấp, cơ sở hạ tầng dùng chung.
Ngày 28/6/2016, Chính phủ đã ý kiến chỉ đạo về các vấn đề nêu trên tại Văn bản số 5263/VPCP-KTN.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư về các vấn đề còn lại trong hợp đồng BOT và bảo lãnh chính phủ của dự án.
Các vấn đề vướng mắc lớn còn lại gồm: Cơ chế ngoại tệ; thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung giữa nhà đầu tư và PVN; việc nạo vét tuyến luồng sông Hậu.
Cơ chế ngoại tệ vẫn đang chờ Chính phủ
Về cơ chế ngoại tệ, ngày 28/6/2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5263/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ đồng ý về cơ chế ngoại tệ cho dự án.
Tuy nhiên, ngày 23/12/2016, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 1017/NHNN-QLNH gửi Văn phòng Chính phủ nói rằng việc tiếp tục bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với các dự án BOT nhiệt điện nói chung và đối với dự án BOT nhiệt điện Sông Hậu 2 nói riêng sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của dự trữ ngoại hối nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên đến nay, chưa có ý kiến nào từ Chính phủ về việc này.
Chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung: Đang đàm phán
Về thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung giữa nhà đầu tư và PVN, ngày 30/11/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc còn lại trong thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung.
Tháng 12/2018 Bộ Công Thương đã có Văn bản số 505/TB-BCT thông báo kết luận cuộc họp để làm cơ sở cho các bên thực hiện.
Sang tháng 2/ 2019, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tiếp tục có Công văn số 233/ĐL-BOT gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề nghị khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Toyo Ink để hoàn thiện và ký thỏa thuận trên cơ sở Văn bản số 505/TB-BCT của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất và ký kết thỏa thuận.
Đến tháng 4/2019, PVN có văn bản báo cáo Bộ Công Thương đồng ý thực hiện 3/9 điểm theo ý kiến của Bộ Công Thương tại Văn bản số 505/TB-BCT. Đối với 6/9 điểm còn lại, ngày 8/7/2019, Tập đoàn Toyo Ink đã có văn bản chấp nhận theo ý kiến của PVN đối với vấn đề Luật điều chỉnh, đồng thời giải trình chi tiết về 5/9 điểm còn lại và đề nghị thực hiện các điểm này theo ý kiến của Bộ Công Thương tại Văn bản số 505/TB-BCT.
Ngày 12/7/2019, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4967/BCT-ĐL yêu cầu PVN nghiên cứu các ý kiến giải trình của Tập đoàn Toyo Ink tại và khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư dự án để giải quyết 5 vấn đề còn lại theo ý kiến của Bộ Công Thương tại Văn bản số 505/TB-BCT, sớm hoàn thiện và ký kết thỏa thuận này.
Đang tìm phương án nạo vét tuyến luồng sông Hậu
Tại phiên họp đàm phán ngày 4/12/2017 nhà đầu tư đã đề nghị Bộ Công Thương phải đảm bảo việc nạo vét tuyến luồng sông Hậu để tàu 10.000 tấn của dự án BOT Sông Hậu 2 có thể ra vào.
Tháng 8/2018, nhà đầu tư có Văn bản số 154-082018/TOYO-SH2 đề nghị Bộ Công Thương xem xét, giải quyết vấn đề nêu trên. Sau văn bản này, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6688/BCT-ĐL gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị có ý kiến về đề nghị nêu trên của nhà đầu tư.
Tháng 9 cùng năm, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 10005/BGTVT-KCHT cho hay trong trường hợp được nhà nước cấp đủ kinh phí, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam nạo vét duy tu tuyến luồng đảm bảo chuẩn tắc thiết kế. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang phối hợp với nhà đầu tư để tìm phương án giải quyết.
Được biết vào tháng 3/2019, Tập đoàn Toyo Ink đã trình nộp dự thảo cập nhật hợp đồng BOT và bảo lãnh chính phủ. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giao tư vấn luật tiến hành rà soát và đã gửi lại các ý kiến cho Tập đoàn Toyo Ink vào ngày 10/5/2019 để nghiên cứu, hoàn thiện lại.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone