Nhiều ngân hàng tính nợ xấu không đúng, con số thực cao hơn ngưỡng 3%

Ngọc Sơn - 25/05/2023 16:38 (GMT+7)

(VNF) - Kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa được Kiểm toán Nhà nước cập nhật trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2022.

Trong đó, Kiểm toán nhà nước lưu ý, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của NHNN. Không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu như: nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái…

Theo đó, nếu tính toán, xác định lại, một số TCTD không đạt được mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Trong các ngân hàng được nhắc tên có nhiều ngân hàng nợ xấu thực vượt trên 8%. Đến cuối 2020, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín là 8,41%. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của một NHTMCP tại thời điểm 31/12/2020 lên đến 13,4%.

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước nhận định, kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án vẫn còn một số mục tiêu, giải pháp chưa hoàn thành. Đơn cử, chưa đưa được tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn, bền vững theo mục tiêu của Đề án là phấn đấu đạt dưới 3%.

Cụ thể, đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống 3,81%, nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu 7,43%; chưa đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường...; chưa hoàn thành việc xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cập nhật tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 là 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ. Mức này gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi,  ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng, thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.

“Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.

Cập nhật qua báo cáo tài chính quý 1/2023 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, nợ xấu cũng đang gia tăng.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nợ xấu tính đến ngày 31/3/2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.
 
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tính đến 31/3, số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý I/2023.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nợ xấu nội bảng trong 3 tháng đầu năm tăng đến 84%, lên mức 2.497 tỷ đồng. 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) số nợ xấu cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có số dư nợ xấu tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua. 

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) số dư nợ xấu tăng 7,8% so với cuối năm vừa qua, vượt 17.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%. 
 
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). số dư nợ xấu tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng từ 1,8% lên 2,3%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy nợ xấu của VPBank trong quý I/2023 tăng lên 2,6%.

Cùng chuyên mục
Tin khác