Nhìn lại những sự kiện kinh tế đáng nhớ trong ngày 30/4 hàng năm

Lệ Chi - 30/04/2019 06:50 (GMT+7)

(VNF) - Nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), VietnamFinance điểm lại những sự kiện kinh tế đáng chú ý trong ngày 30/4 từ năm 1975 đến nay.

VNF
Bách hóa tổng hợp - cửa hàng mậu dịch quốc doanh lớn nhất Việt Nam suốt 3 thập kỷ, từ 1960 đến 1980. Đến 1995, Bách hóa được đổi thành Công ty thương mại Hà Nội, nay là Tràng Tiền Plaza

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân đội Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 30/4/2000, chính thức khởi công xây dựng trung tâm thương mại Tràng Tiền (Bách hóa Tổng hợp cũ) Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại Tràng Tiền-liên doanh giữa Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty thương mại Hà Nội.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền được xây mới cao 6 tầng và 1 tầng âm, có diện tích sàn sử dụng 18.000m2, với tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng; 4 tầng dưới là khu buôn bán siêu thị, trong đó có 3 gian dành để hội thảo các vấn đề thương mại; tầng 5 và 6 là các văn phòng giao dịch thương mại… Công trình được chính thức đưa vào hoạt động ngày 3/2/2002.

Ngày 30/4/2002, khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu; được xây dựng trên Quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đây là dự án được đầu tư theo phương thức BOT, có vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 19/1/2009.

Cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó phần cầu chính dài 2.878m. Đây là cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng.

Ngày 30/4/2004, khánh thành Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn 1.

Ngày 30/4/2005, khởi công xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở (Hà Nội), với tổng vốn đầu tư 1.139,6 tỷ đồng.

Các hạng mục chính được xây dựng gồm có: 1 cầu vượt dài 237m, rộng 17m; hầm cho người đi bộ và các hạng mục mở rộng nút giao thông. Ngày 19/5/2007, công trình chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngày 30/4/2006, hợp long cầu Bãi Cháy ở tỉnh Quảng Ninh. Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã chính thức hợp long sau gần 3 năm khởi công xây dựng.

Cây cầu có tổng vốn đầu tư là 2.142 tỷ đồng, là cây cầu dây văng bêtông dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, có chiều dài 903m, rộng 25,3m (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ).

Ngày 30/4/2007, khởi công xây dựng Cụm công nghiệp tàu thủy và Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang (xã Đồng Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Cụm công nghiệp tàu thủy, xây dựng trên diện tích 290ha với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, còn nhà máy Đóng tàu Hậu Giang có tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng.

Ngày 30/4/2010, Công ty Cổ phần Vincom đã khai trương Trung tâm thương mại cao cấp Vincom Center Shopping Mall.

Vincom Center Shopping Mall nằm tại quận 1, có 26 tầng và 6 tầng hầm. Riêng khu thương mại có tổng diện tích 57.704m2; khu văn phòng quốc tế hạng A có tổng diện tích 80.000m2.

Ngày 30/4/2013, tại Đà Nẵng, đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định tài trợ dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB), với tổng mức đầu tư 272,1 triệu USD; trong đó vốn do WB tài trợ là trên 202 triệu USD.

Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng gồm năm hợp phần chính: cải thiện tình hình thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải; phát triển hệ thống xe buýt nhanh trên địa bàn; nâng cao khả năng kết nối hệ thống đường chính nội đô với đường tránh Bắc Nam và mạng lưới đường cao tốc quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý cơ sở hạ tầng đô thị; các hoạt động được chuyển giao từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng.

Ngày 30/4/2014, TP. HCM tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Lê Văn Sỹ. Đây là cây cầu nằm trong dự án xây dựng 4 cầu gồm cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và cầu Hậu Giang trên kênh Tân Hóa-Lò Gốm.

Cầu Lê Văn Sỹ được xây dựng lần đầu vào năm 1950, sau đó được sữa chữa, nâng cấp lần thứ nhất vào năm 1994. Tổng chiều dài của cầu gần 60m, rộng 18,5m, kết nối đường Trần Quốc Thảo với đường Lê Văn Sỹ ở quận 3, tạo thông suốt tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa chạy dọc hai bờ kênh. Thời gian thi công từ tháng 11/2013, hoàn thành tiến độ trước hai tháng.

Ngày 30/4/2016, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã khai trương tuyến xe buýt Ga Hà Nội-sân bay Nội Bài có số hiệu 86, với giá vé 30.000 đồng/lượt. Đây là tuyến buýt không trợ giá với chiều dài lộ trình quãng đường 33km, tám điểm dừng đỗ.

Ngày 30/4/2017, cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai nối 3 tuyến quốc lộ huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chính thức thông xe.

Cầu An Hảo dài 2km; trong đó, phần cầu chính 500m, rộng 23m với 6 làn xe, phần còn lại là đường dẫn từ cầu An Hảo đến cầu Bửu Hòa. Công trình xây dựng theo hình thức BOT do Tổng công ty xây dựng số 1 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.