10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2016

Nhà Đầu tư - 10/01/2017 23:20 (GMT+7)

Năm 2016 đã đi qua với nhiều sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, tác động sâu sắc và lâu dài tới bước đường phát triển đất nước. Trong số đó, Tạp chí Nhà đầu tư bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật nhất.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử nhân sự cao cấp. 

Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới", Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, diễn ra từ ngày 20-28/1/2016, đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã tổng kết 30 năm đổi mới và đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 22/5/2016 cử tri cả nước bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội đã bầu và phê chuẩn Chính phủ nhiệm kỳ mới. Nêu cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nhanh chóng nhập cuộc và cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế. 

2. Chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc theo xếp hạng của WB

Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 (Doing Business 2017 Report) Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10/2016 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm 2016. 

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng. Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87. Tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167. Tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.

3. Lạm phát thấp, mặc dù tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ là 6,5-7%. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng năm 2016 tăng khoảng 7,3% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,5%... Đặc biệt, tính đến hết 11 tháng, có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. 

4. Thảm hoạ môi trường Formosa

Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lan ra suốt một dải 200 km bờ biển miền Trung. Vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân; buộc Formosa xin lỗi nhân dân Việt Nam và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Sự cố này đã cảnh tỉnh cả hệ thống chính trị về trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là trong thu hút đầu tư.

5. Bê bối Trịnh Xuân Thanh

Ngày 2/11, Ban bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thống nhất quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016; thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương). Đây là sự kiện chưa có tiền lệ tại Việt Nam khi một cán bộ cao cấp bị cách chức khi không còn chức vụ. Ông Hoàng bị kỷ luật do liên quan đến việc việc luân chuyển, khen thưởng cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh – người được cho đã kịp trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố. Ngoài cựu bộ trưởng, ba thứ trưởng đương nhiệm, hai bí thư tỉnh ủy và một cựu phó ban Tổ chức Trung ương đã nhận các hình thức kỷ luật. 

6. Thiên tai bất thường, nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm

Rét đậm rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của con người, đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, đời sống của người dân trong năm 2016. Lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các cấp, các ngành và cả cộng đồng đã chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, sớm ổn định đời sống, chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

7. Nhiều cú sốc trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài có tác động mạnh mẽ chưa từng thấy. Đó là các sự kiện rất ít nhà đầu tư nghĩ tới khả năng xảy ra, như: Sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11. Ngày 24/6, VN-Index có lúc đã sụt giảm 5,47%, ngày 9/11 giảm sâu nhất 3%. Tuy nhiên thị trường đã phục hồi ngay sau đó. Phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần Vinamilk hôm 12/12 do Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp này đã lập kỷ lục về thương vụ có giá trị giao dịch lớn nhất Đông Nam Á năm 2016 (500 triệu USD). 

8. Thị trường bất động sản phục hồi trên tất cả các phân khúc

Năm 2016, không khí sôi động xuất hiện trên tất cả các phân khúc của thị trường địa ốc Việt Nam. Đặc biệt, thị trường ghi nhận sự nhập cuộc của hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng, từ cao cấp đến trung cấp và xu hướng các đại gia tham gia thị trường căn hộ phổ thông (dưới 1 tỷ đồng/căn). Vào đầu tháng 12, công bố của Vingroup về việc sẽ làm từ 20 – 30 vạn căn hộ giá chỉ từ 700 triệu đồng tại 7 tỉnh thành trên cả nước được mô tả như một cơn "địa chấn" đối với thị trường. 

9. Quan hệ kinh tế quốc tế bất định

Hàng loạt sự kiện kinh tế - chính trị quốc tế xẩy ra trong năm 2016, như Anh rời khỏi EU (Brexit), đặt biệt là việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đã đặt các mối quan hệ kinh tế quốc tế vào một tương lai bất định. Hiện nay, các chuyên gia kinh tế cũng chưa đoán định được số phận của TPP – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ba kịch bản được đưa ra: Hoặc Trump huỷ bỏ TPP như đã tuyên bố khi tranh cử; hoặc mặc cả lại các điều khoản; hoặc chuẩn thuận theo di sản Obama. Ứng phó với mỗi kịch bản này, Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp trong thế chủ động.

10. Xuất siêu 2,8 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 40 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả năm 2016, thương mại hàng hóa của Việt Nam dự kiến xuất siêu 2,68 tỷ USD, ngược lại với xu hướng nhập siêu lên tới 3,55 tỷ USD của năm 2015. Cụ thể, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015; trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6% và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%.

Thặng dư thương mại góp phần đưa dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam tăng lên tới 40 tỷ USD, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác