Tài chính

Nhộn nhạo thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(VNF) - Nghị định 163 ra đời với nhiệm vụ tạo hành lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên sau 8 tháng áp dụng đã bộc lộ không ít bất cập.

Nhộn nhạo thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn rất yếu, với nhà phát hành phần lớn là các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế tư nhân.

Trái chủ phần lớn vẫn là ngân hàng

Thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp) được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh tín dụng ngân hàng và thị trường vốn (cổ phiếu). Theo định hướng của Chính phủ, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phấn đấu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025.

Tuy nhiên thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn rất yếu, với nhà phát hành phần lớn là các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế tư nhân. Bên mua cũng chỉ giới hạn trong khối ngân hàng thương mại. Ý nghĩa và sức lan toả của loại hình trái phiếu doanh nghiệp, do đó gần như chưa được phát huy.

Để tạo đà cho thị trường còn nhiều dư địa này, Chính phủ cuối năm ngoái đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Nghị định 163 có hiệu lực thi hành từ 1/2/2019 với 5 chương và 41 điều là hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó bao gồm yêu cầu công khai kết quả phát hành trái phiếu, giúp có cái nhìn chi tiết và thấu đáo hơn về thị trường trái phiếu.

Theo báo cáo của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, luỹ kế 9 tháng đầu năm có 638 đợt đăng ký với giá trị đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên tới 276.857 tỷ đồng. Số đợt phát hành là 446 với giá trị phát hành thành công 179.085 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2/3 đăng ký. Kỳ hạn phát hành bình quân là 4,39 năm. Tổng số doanh nghiệp phát hành là 151 đơn vị.

Ghi nhận thực tế của Tạp chí Nhà đầu tư cho thấy phần lớn giá trị trái phiếu được chào bán bởi khối ngân hàng và các tập đoàn tư nhân. Hình thức phát hành phần nhiều là riêng lẻ, chỉ một số ít trường hợp phát hành ra công chúng (CTCP Đầu tư Con Cưng, CTCP Vận chuyển Mercury...).

Do vậy, dù đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, song về bản chất, thị trường trái phiếu vẫn là cuộc chơi của các ngân hàng và tổ chức kinh tế tư nhân quy mô lớn. Ví dụ, Techcombank mua 1.340 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm của CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (thành viên của Sungroup), PVCombank mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm của Novaland, Chứng khoán Kỹ thương (công ty con của Techcombank) mua 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (thành viên của Vingroup)...

Không bất ngờ khi đa số các doanh nghiệp hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu đều có “họ” bất động sản. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng dần bị siết chặt, các doanh nghiệp địa ốc đang chuyển mạnh qua mảng trái phiếu, bởi dù phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng trái phiếu mang tới sự linh hoạt đáng kể, khi có thể được giải ngân 1 lần và không chịu sự kiểm soát chặt chẽ như tín dụng ngân hàng.

Với lý do đó, lãi suất phát hành cho một số trường hợp đang được đẩy lên cao, vượt xa mức phổ biến từ 9-11%. Như lô trái phiếu PVCombank mua của Novaland có lãi suất 11,75% cho năm đầu, CTCP Vận chuyển Mercury (13%/ năm), CTCP Bông Sen (400 tỷ đồng lãi suất 12%/ năm), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (450 tỷ đồng lãi 12%/ năm) hay cá biệt là trường hợp của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với lãi suất lên tới 14%/ năm.

Nhìn nhận ở góc độ thị trường, lãi suất đạt được theo căn cứ thoả thuận giữa hai bên, giữa người cần tiền và người có tiền cho vay. Doanh nghiệp tính toán được tỷ lệ lợi nhuận đủ để bù đắp lãi vay mới chấp nhận mức lãi suất cao.

Tuy nhiên ở khía cạnh quản lý nhà nước, lãi suất trái phiếu mà trên thực tế không khác lãi cho vay của các ngân hàng thương mại bị đẩy lên quá cao sẽ kéo theo lãi suất huy động, đồng nghĩa với thị trường tiền tệ bị biến dạng mà hậu quả nhãn tiền là lạm phát đi lên, tiền Đồng mất giá.

Quy định bắt buộc công bố thông tin phát hành trái phiếu theo Nghị định 163 giúp hé lộ nhiều khoản nợ rất lớn, với đơn vị nghìn tỷ của một loạt doanh nghiệp. Như CTCP Đầu tư An Đông phát hành 25.000 tỷ đồng trái phiếu, Công ty TNHH Yamagata phát hành 16.000 tỷ đồng, Sunshine Group phát hành 10.000 tỷ, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm phát hành 5.000 tỷ, Bông Sen Corp phát hành 2 đợt với gần 7.000 tỷ, CTCP Phát triển Du lịch Vinasia phát hành gần 10.000 tỷ, CTCP Thiết kế và trang trí nội thất Norah 3.500 tỷ đồng, CTCP Đầu tư & Phát triển Sunny World 3.100 tỷ đồng...

Phải có tổ chức xếp hạng tín nhiệm

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, do việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành hiện chưa phải quy định bắt buộc nên trên thị trường mới có một doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện làm dịch vụ này.

Tuy nhiên, để siết hơn điều kiện phát hành, tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, Bộ Tài chính sẽ sửa lại Luật Chứng khoán yêu cầu các doanh nghiệp phát hành TPDN ra công chúng phải tiến hành xếp hạng tín nhiệm. Đây mới chính là thước đo độ tin cậy của trái phiếu doanh nghiệp đến đâu, tránh tình trạng đua nhau phát hành giấy tờ có giá mà lại đẩy rủi ro hoàn toàn về phía người mua.

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Xuân Minh, chủ tịch CTCP chứng khoán Kỹ thương (TCBS) nhận định việc có tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu là cực kỳ cần thiết và cần thúc đẩy sớm việc thành lập các công ty đánh giá tín nhiệm này.

Các thành viên của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) gồm một số ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, trong đó có TCBS, cũng đang xúc tiến cùng nhau để thành lập một tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thị trường. Công ty này được lập ra sẽ không thiên vị lợi ích cho bên nào, mà độc lập, khách quan, có kỹ thuật và kinh nghiệm.

Về phần mình, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó TGĐ Công ty chứng khoán Everest bổ sung thêm hầu hết các đợt phát hành gần đây được thực hiện với hình thức chào bán riêng lẻ, không niêm yết nên tính công khai, minh bạch còn hạn chế, dẫn tới lo ngại phát hành trái phiếu doanh nghiệp dùng để đảo nợ và các ngân hàng có hiện tượng lách luật trong nghiệp vụ này.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư được bảo vệ, cần có một tổ chức đánh giá hoặc xếp hạng uy tín doanh nghiệp nhằm xem xét điều kiện phát hành, đặc biệt trong các dự án rủi ro cao như bất động sản, có sự hậu kiểm...

Ngoài ra, cần có các ràng buộc điều kiện phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ hơn, đảm bảo trái phiếu có thể phải niêm yết, khi đó thị trường sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn.

Tin mới lên