Những chính sách mới về ô tô xe máy có hiệu lực từ tháng 8/2020

Gia Huy - 31/07/2020 07:40 (GMT+7)

(VNF) - Hà Nội giữ lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô dưới 9 chỗ là 12%, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), xe chưa cấp biển có thể được tham gia giao thông,... là những chính sách có hiệu lực kể từ tháng 8/2020.

VNF
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2020

Hà Nội giữ lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô dưới 9 chỗ là 12%

UBND TP. Hà Nội giữ nguyên mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, đối với lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Trong đó, quy định từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại các nghị quyết hiện hành của HĐND thành phố về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô dưới 9 chỗ tại khu vực Hà Nội là 12%

Như vậy, từ ngày 28/6 đến hết ngày 31/12/2020, khách hàng mua ô tô khi đăng ký biển số tại Hà Nội sẽ phải đóng số tiền lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là: 12% x giá tính lệ phí trước bạ theo quy định x 50%.

Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các nghị quyết hiện hành của HĐND thành phố.

Về lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, UBND TP. Hà Nội công bố các mức thu như sau: ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ có mức thu 20 triệu đồng; xe máy trị giá dưới 15 triệu đồng có mức thu 500 nghìn đồng; xe máy có giá trị trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng có mức thu 2 triệu đồng và xe máy trị giá trên 40 triệu đồng sẽ có mức thu 4 triệu đồng.

Lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội 

Áp dụng thu phí không dừng trên các trạm BOT

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2020 và thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay. Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm BOT chưa thực hiện thu phí điện tử không dừng kể từ 31/12.

Cũng tại quyết định này, hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.

Các phương tiện giao thông chịu phí và được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “phí đường bộ toàn quốc”) đều phải được gắn thẻ đầu cuối.

Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước 31/12/2021. Sau thời gian này, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển. Theo đó, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Theo lộ trình, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Về xuất khẩu EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Xe chưa cấp biển có thể được tham gia giao thông

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020/TT-BCA về việc quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư 58 có hiệu lực từ 1/8 quy định xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông cần tiến hành đăng ký tạm thời.

Như vậy, chỉ cần đăng ký tạm thời thì các xe chưa có biển được phép tham gia giao thông. Trong khi trước đây, Bộ Công an chỉ cho phép đăng ký tạm thời và tham gia giao thông với trường hợp xe ô tô lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác...

Tuy nhiên, xe đăng ký tạm thời chỉ được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.

11 trường hợp bị thu hồi đăng ký xe, biển số xe

Ngày 16/6, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư đã bổ sung 4 trường hợp phải thu hồi đăng ký xe, biển số xe so với quy định cũ, gồm: xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển; xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu; xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự; xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định.

Ngoài ra, còn 7 trường hợp khác cũng phải thu hồi đăng ký xe, biển số xe Thông tư 58 vẫn kế thừa quy định cũ, gồm: xehỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá huỷ do nguyên nhân khách quan; xe tháo máy, khung để thay thế cho xe khác.

Xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam; xe được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác; xe đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam; xe bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe.

Cuối cùng là xe hết niên hạn sử dụng; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan thẩm quyền bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung.

Xem thêm: Honda Việt Nam vẫn tổ chức ra mắt xe dù Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không tụ tập đông người

Cùng chuyên mục
Tin khác