Những con số ‘không thể tin nổi’ về mạng nhện Địa ốc Alibaba

Thụy Khanh - 18/11/2017 00:04 (GMT+7)

(VNF) – Tăng vốn siêu tốc, có vốn điều lệ cao gấp nhiều lần những "đại gia" hàng đầu và góp vốn vào đơn vị khác cao gấp hàng nghìn lần vốn điều lệ của chính mình… đó là những điều bất thường đến "không thể tin nổi" của các doanh nghiệp thuộc "mạng nhện" Địa ốc Alibaba.

VNF
"Mạng nhện Địa ốc Alibaba" tồn tại hàng loạt điều bất thường, phi lý và có dấu hiệu lừa đảo

1,5 năm tăng vốn 16.000 lần

Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 14/11, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về những hoạt động có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập vào ngày 5/5/2016 do ông Nguyễn Thái Luyện làm CEO kiêm Chủ tịch HĐQT. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc công ty.

Cơ cấu cổ đông của Địa ốc Alibaba gồm: ông Nguyễn Thái Luyện góp 80% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Lĩnh góp 10% và bà Võ Thị Thanh Mai góp 10%.

Theo giới thiệu của Địa ốc Alibaba, tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ chưa tới 100 triệu đồng. Nhưng đến ngày 26/9/217 (tức sau 1,5 năm) vốn điều lệ của Công ty đã tăng vọt lên tới 1.600 tỷ đồng - tức tăng vốn gấp 16.000 lần!

Đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba thay đổi lần 3

Nhân sự của Công ty cũng tăng theo cấp lũy thừa: từ 5 nhân viên ban đầu tăng lên 1.500 nhân viên. Công ty cũng có dự định tuyển thêm… 1.000 nhân viên nữa để phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh.

Và về khoản mở rộng kinh doanh, Địa ốc Alibaba cũng xứng đáng là "tay chơi" có hạng khi mới ra đời 1,5 năm đã nắm trong tay tới 18 dự án, trong đó đã triển khai 14 dự án, tất cả đều là đất nền, trải rộng trên một địa bàn rộng lớn từ Đồng Nai sang TP. HCM.

Có thể kể ra một số dự án tiêu biểu của Công ty như: Alibaba An Phước, Alibaba Tây Bắc Củ Chi, chuỗi dự án Alibaba Long Phước 2, 3, 4, 5...

Xem thêm >>> Địa ốc Alibaba bị HoREA cảnh báo lừa đảo: 1,5 năm tăng vốn gấp 16.000 lần

Theo HoREA, trên website của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do Công ty làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, danh sách này không đúng sự thật, vì trong số đó, Dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích 28,2 ha, quy mô 1.000 căn nhà phố, biệt thự) chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải.

Khu đất "Dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi" cho đến nay vẫn đang là dự án được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư.

Còn đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... thì ông Trương Văn Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành - đã xác nhận là không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, vừa qua, HoREA cũng nhận được "Đơn tố giác Công ty Alibaba" của ông Trần Dũng - là khách hàng đã mua 3 lô đất liền kề 27, 28, 29 tại dự án Long Phước 5. Hiệp hội đã có Văn bản số 80/CV-HoREA ngày 04/08/2017 yêu cầu Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba giải quyết thỏa đáng quyền lợi của ông Trần Dũng, nhưng cho đến nay, Công ty Alibaba chưa phúc đáp cho Hiệp hội biết kết quả giải quyết.

Doanh nghiệp sơ sinh đã có vốn điều lệ cao gấp đôi Novaland, FLC

Cùng với Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, doanh nghiệp thứ 2 trong "mạng nhện Địa ốc Alibaba" bị HoREA cho rằng có dấu hiệu lừa đảo là Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty này có mã số doanh nghiệp 0314675116; đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017 và có vốn điều lệ lên tới 12.000 tỷ đồng!

So với các doanh nghiệp lớn trên thị trường, vốn điều lệ của Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh thuộc vào "hàng khủng". Bởi so ra, số vốn này cao gấp đôi Novaland (6,2 nghìn tỷ đồng), gấp đôi FLC (6,3 nghìn tỷ đồng), gấp 4 lần Đất Xanh (2,8 nghìn tỷ đồng), gấp 6 lần C.E.O Group (2,1 nghìn tỷ đồng)…

Một điều bất thường khác là trong cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, có những doanh nghiệp góp vốn cao gấp hàng nghìn lần vốn điều lệ của chính mình.

Cụ thể, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng (tương đương 65% vốn) trong khi vốn điều lệ của đơn vị này chỉ là 100 tỷ đồng!

Bên cạnh đó có 2 cá nhân cũng góp vốn với số tiền khủng gồm: ông Lê Xuân Sơn (trú tại 115/13 Khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ) và bà Đặng Thị Bích Ngọc (trú tại 22/4A đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ).

Theo đánh giá của HoREA, việc Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh – một công ty khởi nghiệp - đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là quá lớn, không bình thường, thậm chí là phi lý.

Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh đến 7.800 tỷ đồng; ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng, bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng cũng là "không bình thường".

Được biết Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án đất nền 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3 và đang công bố tung ra 1.000 nền nhà.

"Việc huy động vốn trái phép bằng ‘Phiếu đặt chỗ’, nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền, nếu huy động đủ thì số tiền lên đến 50 tỷ đồng, có thể gây ra thiệt hại cho những người đặt chỗ mua nền và các nhà đầu tư thứ cấp", HoREA cảnh báo.

Bất thường ở Đầu tư và Xây dựng Ali

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali – cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh – có mã số doanh nghiệp 0310511406, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, trụ sở chính đặt tại 146/59/6 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh.

Công ty chỉ có 1 thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện với số vốn điều lệ khiêm tốn 100 triệu đồng.

Tại đăng ký thay đổi lần thứ 1, ngày 5/8/2017, Công ty được đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali. Vốn điều lệ cũng được nâng lên gấp 1.000 lần, đạt 100 tỷ đồng.

Cũng tại đăng ký thay đổi lần 1, trụ sở chính của Công ty được dời về 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đến lần đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 27/09/2017, trụ sở chính tiếp tục được dời về 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.

Theo HoREA, số vốn điều lệ của Đầu tư và Xây dựng Ali khá lớn nhưng chưa biết ông Nguyễn Thái Luyện đã góp đủ vốn điều lệ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế qua các năm như thế nào.

Tuy nhiên việc Công ty đăng ký góp đến 7.800 tỷ đồng tương đương 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh là một điều không bình thường và cần được xem xét.

Luật Doanh nghiệp có kẽ hở?

HoREA đánh giá Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng nhưng có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo.

Ví dụ, Khoản 1, Điều 11 quy định: "Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty";

Khoản (5.a) quy định công ty có thể thay đổi vốn điều lệ "theo quyết định của đại hội đồng cổ đông";

Khoản 1, Điều 112 quy định: "các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".

Điều 31 quy định về đăng ký thay đổi nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, nhưng không quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũ.

Như vậy, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký vốn cổ phần rất lớn như các công ty trong "mạng nhện Alibaba" nêu trên.

"Hiệp hội nhận thức đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ‘Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp’ ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.

"Hiệp hội kiến nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TP. HCM, có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái pháp luật; chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh", HoREA đề xuất.

Cùng chuyên mục
Tin khác