Bất động sản

Địa ốc Alibaba bị HoREA cảnh báo lừa đảo: 1,5 năm tăng vốn gấp 16.000 lần

(VNF) – HoREA đã phát đi thông báo khẩn cấp về hoạt động của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Theo đó, Địa ốc Alibaba được cho là có dấu hiệu lừa đảo khách hàng khi tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà và thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII – 3". Vậy đơn vị này là ai?

Địa ốc Alibaba bị HoREA cảnh báo lừa đảo: 1,5 năm tăng vốn gấp 16.000 lần

HoREA cảnh báo nhà đầu tư về các hoạt động của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tại Dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII – 3"

Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập ngày 5/5/2016, có trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh nhưng hoạt động thường xuyên tại chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM.

Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Địa ốc Alibaba là ông Nguyễn Thái Luyện. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Linh, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc công ty.

Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba mới chỉ có "niên đại" 1,5 năm, tuy nhiên trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, công ty này đã kịp ghi dấu ấn đậm nét bằng màn tăng vốn "không thể ngoạn mục hơn".

Cụ thể, theo giới thiệu của Địa ốc Alibaba, tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ chưa tới 100 triệu đồng. Nhưng đến ngày 26/9/217, tại thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần 3 (do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp), vốn điều lệ của Công ty đã tăng vọt lên tới 1.600 tỷ đồng – tức tăng vốn gấp 16.000 lần!

Nhân sự của Công ty cũng tăng theo cấp lũy thừa: từ 5 nhân viên ban đầu tăng lên 1.500 nhân viên. Công ty cũng có dự định tuyển thêm… 1.000 nhân viên nữa để phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh.

Và về khoản mở rộng kinh doanh, Địa ốc Alibaba cũng xứng đáng là "tay chơi" có hạng khi mới ra đời 1,5 năm đã nắm trong tay tới 18 dự án, trong đó đã triển khai 14 dự án, tất cả đều là đất nền, trải rộng trên một địa bàn rộng lớn từ Đồng Nai sang TP. HCM.

Có thể kể ra một số dự án tiêu biểu của Công ty như: Alibaba An Phước, Alibaba Tây Bắc Củ Chi, chuỗi dự án Alibaba Long Phước 2, 3, 4, 5...

Phối cảnh dự án Alibaba Long Phước (nguồn: website Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba)

Không chỉ phát triển thần tốc, Địa ốc Alibaba còn có tham vọng lên sàn để gọi vốn thêm. Ngày 5/5/2017, Công ty đã tổ chức Đại hội cổ đông lần I và thông qua kế hoạch lên sàn UPCoM trong tháng 7/2017. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là đến thời điểm hiện tại, tra cứu các mã chứng khoán trên sàn UPCoM, người ta vẫn không thể tìm thấy cổ phiếu của công ty này!

"Thánh Gióng" của làng bất động sản hay đứa con của "thần gió"?

Hồi đầu tháng 11 năm nay, trả lời báo chí, ông Trương Văn Phương – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - cho biết tính đến thời điểm hiện tại, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư.

"Tôi nghĩ đây chỉ là đơn vị môi giới tự cho mình là chủ đầu tư và bán hàng. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, huyện đã từng phát hiện một số trường hợp như thế: tự nhân mình là chủ đầu tư rồi tổ chức sự kiện, bán đất trái phép", ông Phương nói.

Được biết từ cuối tháng 4/2017, tỉnh Đồng Nai đã tạm dừng giải quyết hồ sơ xin phân lô tách thửa trên đia bàn. Tuy nhiên do nhu cầu của người dân, vừa qua tỉnh lại "nới lỏng" việc tách thửa.

Mặc dù vậy, tỉnh chỉ giải quyết cho trường hợp đất đã chuyển đổi thành đất thổ cư và nằm trong khu dân cư hiện hữu. Trường hợp đất nông nghiệp muốn chuyển qua đất thổ cư và tách thửa thì phải đáp ứng các điều kiện như: phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và được cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện.

Song điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp bất động sản lại sử dụng chiêu bài phối hợp với một số cá nhân gom đất ở địa phương, sau đó các cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp bán. Doanh nghiệp sẽ "vẽ" dự án sao cho bắt mắt rồi tự nhận mình là chủ đầu tư, tự tổ chức sự kiện, bán hàng. Đến khi khách hàng vỡ lẽ thì sự đã rồi.

Hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba thời gian qua được cho là áp dụng theo chiêu bài này. Đây cũng chính là lý do HoREA phát đi cảnh báo khẩn cấp về hoạt động của Địa ốc Alibaba tại Dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII – 3".

Theo đó tại dự án này, Địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà và thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng trong khi dự án chưa được giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tức là chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán).

Điều đáng nói là sau khi thông báo của HoREA được phát đi, website của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (diaocalibaba.vn ) "bỗng nhiên" không truy cập được. Đơn vị này cũng chưa có phản hồi nào chính thức về văn bản của HoREA, dù cho trước đó, CEO Nguyễn Thái Luyện luôn luôn khẳng định rằng Địa ốc Alibaba luôn đặt sự minh bạch, rõ ràng lên hàng đầu; rằng thì phương châm của Công ty là "một chữ tín – vạn niềm tin"!

Tin mới lên