Những 'độc chiêu' giấu vàng nhập lậu, tuồn về Việt Nam
(VNF) - Do chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới nên thời gian qua, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng, từ cất giấu trong người theo đường hàng không đến lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển vàng lậu từ biên giới đường bộ.
Cất giấu 3kg trong giày, chuyển lậu qua máy bay
Mới đây, Cục Hải quan Hà Nội đã liên tiếp phát hiện hai vụ khách nhập cảnh người nước ngoài giấu các thỏi kim loại màu vàng trên người, mỗi vụ có tổng trọng lượng 3kg.
Cụ thể, sáng ngày 4/10, trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hành khách nhập cảnh trên chuyến bay UO550 từ Hong Kong đến Nội Bài, đội thủ tục hành lý nhập khẩu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phát hiện một hành khách nam giới có dấu hiệu nghi vấn giấu kim loại trong người.
Sau đó, lực lượng hải quan đã phối hợp với Phòng PC03 Công an TP Hà Nội và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra hành khách trên.
Tại phòng kiểm tra, hành khách này đã lấy trong vùng kín và trong hai đế giày ra 3 miếng kim loại màu vàng, nghi là vàng miếng có tổng trọng lượng 3kg. Đối tượng đã khai nhận 3 miếng kim loại màu vàng là vàng 9999. Ước tính số vàng này có trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Cùng ngày, cơ quan chức năng cũng phát hiện một hành khách nhập cảnh trên chuyến bay mang số hiệu VN593 từ Hong Kong đến sân bay quốc tế Nội Bài giấu 6 mảnh kim loại màu vàng trên người. Các thỏi kim loại có tổng trọng lượng 3kg được cắt nhỏ để tránh lực lượng chức năng phát hiện.
Hiện toàn bộ 6 miếng kim loại màu vàng và đối tượng được bàn giao để Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Đội 6) - Công an TP Hà Nội tiếp tục điều ra làm rõ.
Nhiều thủ đoạn nhập lậu vàng qua biên giới
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới và đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây quy mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.
Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh. Hai đối tượng là Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, ở Tây Ninh) đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu hơn 6 tấn vàng qua biên giới
Đường dây buôn lậu vàng thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu. Phụng tìm hiểu nhu cầu của khách mua trong nước rồi liên hệ sang Campuchia đặt mua, thuê người chở về Việt Nam với giá vận chuyển là 170USD/thỏi vàng. Người trực tiếp chuyển vàng là bị can Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1980, ở Tây Ninh). Giàu cho người nhận vàng tại Phnom Penh, chở đến khu vực biên giới Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh rồi tìm mọi cách đưa về Việt Nam bằng xe chở nước đá. Sau khi tập kết tại xưởng đá lạnh của Giàu tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), vàng sẽ được chia nhỏ, giao cho người của Phụng...
Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 3/8/2022 đến ngày 28/9/2022, đường dây này buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi với tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đây, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây buôn lậu vàng thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Theo cơ quan điều tra, từ ngày 16/7/2022 đến ngày 28/9/2022, đường dây của Phượng buôn lậu trót lọt 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.
Hồi giữa năm ngoái, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã triệt phá thành công đường dây buôn lậu 3 tấn vàng qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Đường dây nêu trên do Nguyễn Thị Hóa (ở Quảng Trị) cầm đầu với thủ đoạn vận chuyển vàng từ Lào qua biên giới về Việt Nam.
Cơ quan công an xác định, từ năm 2022, Hóa cùng đồng phạm tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Buôn lậu và Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo, Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Theo Ban Chỉ đạo 389, thực tế trên cho thấy, tình hình buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với cư dân biên giới qua lại công khai giữa hai nước để cất giấu vàng trong các phương tiện, lẫn trong hàng hóa nông sản hay lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển vàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Địa bàn vi phạm chủ yếu trên các tuyến biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực miền Trung giáp Lào thuộc Quảng Trị và Hà Tĩnh.
Tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
An Giang: trùm buôn lậu vàng Mười Tường tiếp tục bị khởi tố vì vận chuyển trái phép USD
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.