Nhân vật

Những mấu chốt cần phân xử trong vụ ly hôn tại Trung Nguyên vào ngày 27/3

(VNF) - Sau nhiều ngày xét xử vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên, hai bên đã thỏa thuận được vấn đề con cái, cấp dưỡng và phân chia bất động sản. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần tại các công ty và số tiền phản tố vẫn chưa đi đến thống nhất.

Những mấu chốt cần phân xử trong vụ ly hôn tại Trung Nguyên vào ngày 27/3

Ngày mai (27/3) xét xử vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên

Ngày mai (27/3), Tòa án nhân dân TP. HCM tiếp tục phân xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên, giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trước đó, sau nhiều ngày căng thẳng tại tòa, hai bên thống nhất giao 4 con cho bà Thảo chăm sóc, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỷ mỗi năm. Các bất động sản chia đôi.

Tuy nhiên, ông Vũ và bà Thảo vẫn chưa thống nhất được tỷ lệ cổ phần tại các công ty, ai là “linh hồn” của Trung Nguyên và tranh cãi về số tiền 2.100 tỷ đồng trong tài khoản bà Thảo.

Chia cổ phần thế nào?

Tại phiên tòa trước đó, bà Thảo đề nghị chia đôi cổ phần tại 7 công ty, ông Vũ không đồng ý. Ông yêu cầu chia theo tỷ lệ 7:3. Ông Vũ có yêu cầu nhận cổ phần của vợ tại các công ty, ông sẽ hoàn tiền.

Tại tòa, bà Thảo yêu cầu cho bà hưởng 51% tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên; 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và 7,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần hòa tan Trung Nguyên - G7.

Với số cổ phần tại 5 công ty còn lại, nguyên đơn đề nghị cho sở hữu toàn bộ, nhưng ông Vũ đề nghị 7:3.

Nếu Tòa chia theo phương án của ông Vũ, sau ly hôn, ông sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần là tài sản riêng được thừa kế) và bà Thảo chỉ còn 27%. Ngược lại, nếu chia theo phương án của bà Thảo, sau ly hôn, bà Thảo nắm 51% còn ông Vũ chỉ còn giữ 40,66%

Nếu phân chia theo tỷ lệ 5:5, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo chỉ nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên. Ngay cả khi bà Thảo nhận được sự ủng hộ của cổ đông ẩn danh cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Ông Vũ và mẹ ông nắm tối thiểu 53,34% cổ phần.

Ai là “linh hồn” của Trung Nguyên?

Đây là một trong những căn cứ xác định tỷ lệ phân chia tài sản tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Phía bà Thảo nói về những ngày bà cùng chồng phát triển công ty, phải làm việc từ sáng đến đêm ngay cả khi mới sinh con.

Còn ông Vũ trải lòng về những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, phải vay mượn từng gói cà phê của các đại lý. Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 15/8/1996 mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

4 năm sau thay đổi giấy phép kinh doanh, thành viên ban quản trị công ty còn có ông Đặng Mơ (cha ông Vũ). Lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ đồng. Năm 2002, khi thay đổi đăng ký kinh doanh lần 5, ngoài việc tăng vốn điều lệ lên 14,4 tỷ đồng còn thành lập thêm chi nhánh và công ty vẫn chỉ có hai thành viên là cha con ông Vũ.

Hai năm sau khi thành lập Trung Nguyên ông Vũ mới kết hôn với và Thảo (1998).  Đến tháng 4/2006, bà Thảo mới tham gia là cổ đông. Ông không phủ nhận công lao của vợ, song ông nhiều lần lớn tiếng khẳng định mình mới là "linh hồn" của Trung Nguyên khi nghe luật sư của bà Thảo nói "công sức của vợ còn cao hơn cả chồng".

Hơn 2.100 tỷ đồng chỉ còn hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản

Tại phiên xử vào ngày mai, tòa cũng phải làm rõ số tiền hơn 2.100 tỷ đồng trong tài khoản bà Thảo.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 1/3, HĐXX thông báo tạm dừng xét xử để xác minh các khoản tiền gửi của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa.

Khoản tiền cần phải xác mình là hơn 2.100 tỷ đồng - tổng giá trị tiền, vàng đứng tên bà Thảo tại 3 ngân hàng nêu trên.

Tuy nhiên, mới đây, các ngân hàng đã có công văn trả lời khối tài sản hơn 2.100 tỷ đồng do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên tại 3 ngân hàng không còn trong tài khoản.

Theo kết quả xác minh, hiện chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank. Đối với những tài sản nằm tại ngân hàng nước ngoài không thể xác minh do bị từ chối cung cấp thông tin khách hàng.

Tin mới lên