Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngày 7/7, Công ty Cổ phần Thaiholdings (HNX:THD) đã công bố thông qua phương án phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua, tổng giá trị tính theo mệnh giá tương đương 2.961 tỷ đồng.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 539:2.961, cổ đông sở hữu quyền mua có thể chuyển nhượng quyền mua thêm cổ phiếu cho người khác (chỉ được chuyển nhượng 1 lần duy nhất). Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2020, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Động thái này diễn ra chỉ sau nửa tháng THD niêm yết trên sàn HNX. Đáng chú ý, giá cổ phiếu đã trần 13 phiên liên tiếp tính đến hiện tại. Theo đó, thị giá đã vọt lên mức 60.200 đồng/cổ phiếu (kết phiên 7/7), gấp 4 lần giá tham chiếu phiên chào sàn kể từ ngày 19/6.
Theo THD, nguồn vốn thu về sẽ được dùng đầu tư tài chính nhằm sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp tiềm năng, bổ sung nguồn vốn lưu động. Trong đó, THD dự kiến sử dụng tới 99,6% số tiền trên (2.950 tỷ đồng) để mua 147,5 triệu cổ phần (59% vốn) của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup.
Năm 2020, THD đặt mục tiêu đem về 3.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 360 tỷ đồng. Trong quý I, THD ghi nhận doanh thu hơn 162,4 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 9,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, THD đạt doanh thu hơn 760 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 48 tỷ đồng, lần lượt vượt 153% kế hoạch và 25% kế hoạch.
Được biết, ThaiGroup vốn là công ty mẹ của THD, với tỷ lệ sở hữu lên đến 74% tính đến đầu năm 2019. Khi đó, bầu Thuỵ là Chủ tịch HĐQT của cả ThaiGroup và THD.
Sau đợt tăng vốn tháng 4/2019, ThaiGroup đã hoàn toàn thoái vốn tại THD, đồng thời, bầu Thụy cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT THD. Thế nhưng hiện nay, bầu Thuỵ vẫn là cổ đông lớn duy nhất tại THD với tỷ lệ sở hữu 20%.
Vì vậy, thực tế thương vụ "thâu tóm" này chỉ là sự hoán đổi vai trò giữa các công ty mẹ - con của tập đoàn lõi, nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Thuỵ. Mặc dù vậy, số tiền chi ra dự kiến sẽ không chỉ đến từ bầu Thụy mà còn đến từ cả những cổ đông tham gia mua cổ phiếu THD trong đợt phát hành sắp tới, trong đó có nhiều cổ đông mới chỉ gắn bó với THD trong thời gian ngắn.
Cuối năm 2015, trên cương vị là ông chủ của Tập đoàn ThaiGroup, bầu Thuỵ đã "gây sốc" khi bỏ ra mức giá lên đến 274.200 đồng cho mỗi cổ phiếu của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu Khách sạn Kim Liên) trong phiên thoái vốn của SCIC. Mức giá đấu này đã vượt tới 9 lần so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phiếu và bỏ xa các đối thủ khác, như GPBank, GPInvest, PTFinance, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, REE, Văn Phú Invest…
Tổng cộng, tập đoàn đến từ Ninh Bình đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để nhận 3,6 triệu cổ phần Khách sạn Kim Liên. Nhà đầu tư về nhì trong phiên đấu giá này đã bỏ giá thấp hơn ThaiGroup tới 380 tỷ đồng cho lô cổ phiếu mà SCIC rao bán.
Đây được cho là quyết định khá khó hiểu của bầu Thuỵ vào thời điểm đó, thế nhưng những diễn biến trên "mặt trận" Khách sạn Kim Liên trong năm 2020 đã làm sáng tỏ phần nào quyết định của đại gia Ninh Bình.
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Du lịch Kim diễn ra vào đầu năm 2020 đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 70 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng để triển khai dự án khu phức hợp mới trị giá gần 14.300 tỷ đồng trên khu đất hiện hữu của công ty.
Đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và cổ đông Ngân hàng GPBank đều cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm qui mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ để cổ đông xem xét, biểu quyết.
Do vậy nhóm cổ đông sở hữu 17,5% cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đã phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án. Nhưng nhóm cổ đông liên quan đến ThaiGroup với tỷ lệ biểu quyết trên 80% đã dễ dàng thông qua các quyết sách này.
Đầu tháng 4/2011, giới đầu tư "ngã ngửa" khi bầu Thuỵ quyết định lấn sân sang thị trường chứng khoán bằng việc mua lại Công ty Chứng khoán Vincom (sau đổi tên thành Công ty Chứng khoán Xuân Thành) và liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ lại công ty này.
Chỉ một năm sau, tháng 4/2012, với quyết định mua thêm 17,3 triệu cổ phiếu Chứng khoán Xuân Thành (VIX), bầu Thụy đã nâng tổng số cổ phiếu mình nắm giữ tại công ty chứng khoán này lên tới 81,5% (tương đương 24,45 triệu cổ phiếu). Tại thời điểm đó, cổ phiếu VIX dao động trong khoảng khoảng 12.500 - 15.500 đồng/cổ phiếu.
Kể từ đó, bầu Thụy đã chính thức đứng trong top 45 người giàu nhất thị trường chứng khoán, với giá trị chứng khoán khi đó lên tới trên 300 tỷ đồng, tên tuổi cũng được nhắc đến với mật độ dày hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, sau đó, hoạt động kinh doanh của VIX khá trồi sụt, khoản thua lỗ lớn nhất rơi vào quý III/2012 ngay khi công ty này đẩy mạnh tự doanh.
Điều đó đã khiến công ty của bầu Thụy bán sạch danh mục cổ phiếu niêm yết và chỉ còn giữ lại 380 nghìn cổ phiếu trên sàn OTC trong quý IV/2012.
Tiếp đó, tháng 3/2013, bầu Thụy công bố bán sạch cổ phiếu VIX đang nắm giữ, tương đương 24,45 triệu cổ phiếu, chiếm 81,5% vốn của công ty, nhưng cuối cùng chỉ bán được 2,2 triệu cổ phiếu.
Mãi đến đầu tháng 4/2014, ông Nguyễn Đức Thụy mới có thể chuyển nhượng thành công 22,25 triệu cổ phiếu đăng ký bán trước đó (tương đương 74% cổ phần), với trị giá gần 240 tỷ đồng, đánh dấu sự thoái lui ở lĩnh vực chứng khoán, lĩnh vực mà doanh nhân này từng rất tâm đắc.
Với thương vụ huy động vốn đình đám của THD gần đây, bầu Thụy đang trở lại thị trường chứng khoán theo một phương thức khác.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.