Tài chính quốc tế

Những thương vụ trăm triệu USD: Châu Á bùng nổ, Việt Nam ế ẩm

(VNF) - Trước những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hay suy giảm hệ sinh thái, trái phiếu xanh đang dần trở thành công cụ tài chính mới dành cho các dự án thân thiện với môi trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bùng nổ ở Châu Á – Thái Bình Dương

Theo Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA), trái phiếu xanh là trái phiếu sử dụng số tiền huy động được để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án, tài sản hoặc hoạt động kinh doanh “xanh” nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của môi trường.

Trái phiếu xanh đầu tiên của châu Á được Ngân hàng Trung Quốc (BOC) phát hành vào tháng 9 năm 2020 nhằm tài trợ cho các dự án đáp ứng được yêu cầu của “nền kinh tế xanh bền vững”.

Theo đó, BOC đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 3 tỷ NDT (tương đương 412 triệu USD) với thời hạn 2 năm thông qua chi nhánh Ma Cao và trái phiếu xanh trị giá 500 triệu USD với thời hạn 3 năm thông qua chi nhánh Paris.

Ông Thomas Kollar, đối tác của Công ty luật Mayer Brown có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và là người đứng đầu tập đoàn chứng khoán ở châu Á, cho biết: “Kể từ đợt phát hành trái phiếu xanh này, hàng năm đã có thêm nhiều đợt phát hành trái phiếu xanh mang tính bước ngoặt trong khu vực”.

Châu Á đang là một trong những người đi đầu trong phát hành trái phiếu xanh.

Mặc dù vẫn là một sản phẩm tương đối mới nhưng trái phiếu xanh đang được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới quan tâm và các tổ chức phát hành trái phiếu xanh ở châu Á đang là những người đi đầu, ông nhận định.

Vào tháng 5/2022, BDO Unibank của Philippines đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên trị giá 100 triệu USD thông qua khoản đầu tư từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế.

BDO cho biết: “Việc phát hành trái phiếu xanh sẽ mở rộng nguồn tài trợ cho các dự án giúp ngăn ngừa ô nhiễm biển và bảo tồn tài nguyên nước sạch cũng như hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu của Philippines”.

Dữ liệu từ Dealogic cho thấy việc phát hành trái phiếu xanh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển ổn định, tăng đều đặn lên mức gần 1 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp đôi kể từ khi công cụ tài chính này lần đầu tiên được bán trong khu vực.

Ông Puja Shah, người đứng đầu thị trường vốn nợ tài chính bền vững cho châu Á, cũng tin rằng trái phiếu xanh có vai trò quan trọng khi các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vốn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên biển và một số nền kinh tế đảo đang phải đối mặt với tần suất thiên tai ngày càng tăng.

Mặc dù vẫn chưa có khối lượng lớn trái phiếu xanh từ các công ty châu Á, do các yếu tố như thiếu sự đồng thuận về các loại dự án “xanh” phù hợp với các doanh nghiệp, công ty đầu tư Abrdn có trụ sở tại Anh cũng kỳ vọng số lượng trái phiếu xanh có thể tăng lên và ngày càng có thêm nhiều cơ hội cho những loại trái phiếu như vậy phát triển trên thị trường khu vực.

Việt Nam vẫn “ế ẩm”

Dựa trên nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Con số này tương đương với 5% GDP và 20% dân số. Chính vì vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang xem việc phát triển trái phiếu xanh là một trong những kênh thu hút vốn đầu tư mới và hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự tăng trưởng nhất định nhưng quy mô thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Fiin Group, tính đến đầu năm 2021, quy mô phát hành TPX tại Việt Nam chỉ ở mức 284 triệu USD thông qua bốn đợt phát hành, bao gồm một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu đô la và 186 triệu USD). Giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam là không đáng kể.

Quy mô thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Tính đến nay, số lượng các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Tháng 7/2022, EVNFinance là doanh nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA. Mới đây nhất, vào ngày 19/9, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty Cổ phần BIM Land và công ty con là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành.

Khoản đầu tư của IFC bao gồm 2 khoản đăng ký mua trái phiếu– lên tới 2.333 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) do BIM Land – doanh nghiệp phát triển bất động sản và du lịch hàng đầu tại Việt Nam phát hành – và 1.167 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) do Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành.

Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Việt trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chứ chưa xuất phát từ thị trường.

Trên thực tế, nước ta hiện vẫn chưa ban hành đầy đủ quy định cụ thể về khái niệm xanh và trái phiếu xanh cũng như chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Số liệu liên quan đến trái phiếu xanh ở Việt Nam cũng chưa dễ dàng tiếp cận, dẫn đến tâm lý e ngại của các nhà đầu tư. Chính những rào cản này đã khiến trái phiếu xanh chưa thực sự phủ sóng thị trường Việt.

Để tháo gỡ những vướng mắc kể trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ về trái phiếu xanh, xây dựng lộ trình triển khai và phát triển trái phiếu xanh một cách phù hợp, minh bạch thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư xanh của các doanh nghiệp cũng như phổ biến kiến thức liên quan đến trái phiếu xanh cho đông đảo người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Nam thuộc Chứng khoán ACB nhận định việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh sẽ tạo cơ sở thu hút, tiếp cận thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức đầu tư cũng như quỹ tín dụng nước ngoài vào Việt Nam.

Tin mới lên