Nữ thủ tướng Angela Merkel sắp từ chức, tương lai nước Đức sẽ ra sao?
Hạnh Chi -
14/09/2021 08:37 (GMT+7)
(VNF) - Trong tháng 9 này, nữ thủ tướng nước Đức, bà Angela Merkel, sẽ chính thức từ chức, khép lại giai đoạn 16 năm cầm quyền của mình.
Người đàn bà quyền lực trong giới chính trị
Bà Angela Merkel, sinh năm 1954, lên nắm quyền từ năm 2005 và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức. Bà cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức vươn đến vị trí lãnh đạo cao nhất nền kinh tế thứ tư của thế giới.
Sinh ra trong gia đình của một mục sư và giáo viên, bà Merkel sớm thể hiện cá tính, năng động khi tham gia nhiều phong trào tự nguyện và không bị áp lực từ cha mẹ. Tuy nhiên, thời niên thiếu, chính trị đối với nữ thủ tướng không phải là mối quan tâm hàng đầu.
Bà theo học ngành vật lý và tốt nghiệp trường Đại học Leipzig năm 1978. Sau đó, bà vào làm việc tại Viện Hóa lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức.
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 là một trong những động lực để bà Merkel chính thức bước chân vào con đường chính khách của mình. Sự nghiệp của bà Angela Merkel phát triển chóng mặt. Dù vấp phải một số ý kiến trái chiều về việc điều hành đất nước, nhưng không thể phủ nhận nữ thủ tướng đã có một con đường chính trị vô cùng thành công.
Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và giữ vị trí này trong 13 năm tiếp sau đó. Năm 2015, nữ thủ tướng được tạp chí TIME bầu chọn là nhân vật của năm bởi vai trò lãnh đạo của bà. Năm 2017, bà Angela Merkel tiếp tục đắc cử thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4 sau kỳ cuộc bầu cử 2017.
Nữ thủ tướng Đức cũng thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề toàn cầu như bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, bà Merkel cũng đưa ra những chính sách ứng phó đi đầu và đạt được tỉ lệ ủng hộ tới 70%.
Bất chấp những điều này, bà Merkel vẫn quyết định không tái tranh cử khi kết thúc nhiệm kỳ, điều mà bà đã tuyên bố từ năm 2018. Nữ thủ tướng cho biết bà không có kế hoạch gì sau đó.
Nền kinh tế của Đức trong tương lai
Trong khi người phụ nữ quyền lực Merkel chuẩn bị lui về và dành thời gian cho niềm yêu thích với việc nấu nướng, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức đang rốt ráo tìm người kế vị bà Merkel ngay từ đầu năm nay.
Giới quan sát chính trị trong nước cho rằng bà Merkel sẽ rời ghế thủ tướng sau khi chủ tịch mới của đảng CDU được bầu vào đầu tháng 12. Rất có thể lúc đó, liên minh CDU/SPD sẽ tan vỡ và sẽ có một cuộc bầu cử mới. Có thể sẽ có một liên minh mới giữa Đảng CDU và đảng Xanh và đây là một bước ngoặt quan trọng của nền chính trị Đức.
Nền kinh tế nước Đức dưới thời bà Merkel liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn đứng vững. Bà Merkel đã chèo chống quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ Eurozone, làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hy Lạp cũng như thuyết phục Nga và các quan chức hàng đầu của Ukraine đối thoại với nhau và khủng hoảng nhập cư.
Bởi vậy, đứng trước việc rút lui của một nhà lãnh đạo tài ba, điều mà người ta quan tâm nhất lúc này là nước Đức sẽ thế nào. Các chính sách tìm kiếm các thỏa hiệp và theo đuổi cách tiếp cận đa phương đối với những vấn đề của thế giới qua nhiều năm hỗn loạn của bà Merkel liệu có được tiếp tục phát huy.
Tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung từng nhận định: "Di sản quan trọng nhất của bà Merkel chỉ đơn giản là, trong thời kỳ khủng hoảng trên toàn thế giới, bà đã tạo ra sự ổn định".
Hiện nay, nước Đức đang ở trong một tình thế rất tốt với nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, ngân sách quốc gia cân bằng, mức độ an ninh cao và nạn thất nghiệp thấp kỷ lục dù đối mặt đại dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống các đảng đang lay động bởi những thay đổi của xã hội và những lo âu của dân chúng cho tương lai.
Ngoài những vấn đề chưa giải quyết trong nội bộ, sự phồn thịnh của nước Đức cũng như của cả khối Liên minh châu Âu đang bị đe doạ bởi những diễn biến như cuộc chiến kinh tế gắt gao giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, xu hướng tan rã của khối EU, sự xa lìa giữa một vài đồng minh trong NATO và nguy cơ của một sự khủng hoảng tiền tệ mới trong thời đại kinh tế số hoá.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone