Tài chính quốc tế

Nước châu Âu vạch 'lằn ranh đỏ' với EU trong trừng phạt Nga

(VNF) - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố rằng năng lượng chính là “lằn ranh đỏ” của nước này trong trừng phạt Nga, chính vì vậy nước này sẽ không ủng hộ vòng trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) lên Nga nếu bao gồm các lệnh hạn chế liên quan tới lĩnh vực năng lượng.

Nước châu Âu vạch 'lằn ranh đỏ' với EU trong trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto.

Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti cuối tuần qua, ông Szijjarto khẳng định rằng bất kỳ hạn chế nào đối với năng lượng của Nga sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia của Hungary.

“Tôi có thể nói chắc chắn rằng nếu gói trừng phạt tiếp theo chứa nội dung nào đó mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của chúng tôi, chúng tôi sẽ không đồng ý thông qua nó. Lằn ranh đỏ đối với chúng tôi liên quan đến năng lượng, khí đốt, dầu mỏ, năng lượng hạt nhân và bất kỳ khía cạnh nào khác có thể gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia của chúng tôi”, ông Szijjarto nhấn mạnh thêm.

Nhà ngoại giao hàng đầu Hungary cũng nhắc lại những tuyên bố trước đó rằng các biện pháp trừng phạt không hoạt động theo cách mà các nước phương Tây mong đợi và cho biết ông thấy việc theo đuổi chính sách này không có ý nghĩa gì.

“Chính sách trừng phạt đơn giản là không có tác dụng. Các lệnh trừng phạt có thể gây hại cho Nga nhưng chúng chắc chắn gây ra tác hại lớn hơn cho nền kinh tế châu Âu, cho các nước châu Âu. Và nếu các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều tổn hại cho những người áp đặt chúng hơn là những người mà chúng chống lại, thì việc tiếp tục thực hiện chúng có ý nghĩa gì?”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary nói.

Ông Szijjarto lưu ý rằng thông qua công ty năng lượng quốc doanh Gazprom, Nga đã và đang cung cấp đều đặn khí đốt tự nhiên cho Hungary theo hợp đồng 15 năm.

Theo ông Szijjarto, Budapest dự kiến ​​sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga ngay cả khi Ukraine quyết định không gia hạn hợp đồng quá cảnh với Nga.

“Tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng Ukraine sẵn sàng mất nhiều thu nhập như vậy, nhưng nếu cần, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các phương án thay thế, vì chúng tôi coi đây là vấn đề kỹ thuật. Đó không phải là về việc giao hàng. Vấn đề không phải là số lượng mà là về lộ trình”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary khẳng định.

Ông Szijjarto đồng thời cho hay Hungary gần đây đã nhận được chuyến hàng nhiên liệu hạt nhân thứ ba từ Nga trong năm nay cho Nhà máy điện hạt nhân Paks. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga hiện đang xây dựng hai khối điện mới tại nhà máy, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2032.

Ông Szijjarto gọi sự hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là “tuyệt vời”, đề cập đến chất lượng cao của nhiên liệu hạt nhân của Nga và việc Rosatom tuân thủ nghiêm ngặt việc giao hàng thời hạn.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây dẫn các nguồn thạo tin cho biết châu Âu đang trong giai đoạn cuối cùng trong việc đưa ra gói trừng phạt thứ 12 lên Nga và gói này có thể bao gồm các hạn chế đối với ngành công nghiệp hạt nhân và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Tuy nhiên, để Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào cần phải có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên EU.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, với gói trừng phạt thứ 12, Brussels được cho là đang muốn  mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép”, ám chỉ những loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Nga đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.

Ukraine sẽ ngừng vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu

Ông Aleksey Chernyshov, giám đốc điều hành của công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, mới đây cho hay Ukraine không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga. Hợp đồng vận chuyển được ký vào năm 2019 giữa Naftogaz và Gazprom sẽ hết hạn vào năm tới.

“Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và chúng tôi không có ý định gia hạn. Hợp đồng sẽ kết thúc, quá trình vận chuyển sẽ dừng lại”, ông Chernyshov nêu rõ.

Hàng chục triệu m3 khí đốt tự nhiên vẫn đang được vận chuyển hàng ngày từ Nga đến châu Âu qua Ukraine.

Theo CEO Naftogaz, Ukraine có cơ sở để chấm dứt hợp đồng với Nga trước thời hạn vì Gazprom bị cáo buộc đã thanh toán “không quá 70%” số tiền họ nợ cho phí quá cảnh khí đốt. Tuy nhiên, Kiev sẽ không hủy bỏ hợp đồng hiện tại ngay lập tức vì họ không muốn người tiêu dùng châu Âu không có đủ năng lượng trước mùa đông, ông Chernyshov cho hay.

Hàng chục triệu m3 khí đốt tự nhiên vẫn đang được vận chuyển hàng ngày từ Nga đến châu Âu qua Ukraine thông qua mạng lưới đường ống chạy ngang qua một số khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi cuộc chiến. Ukraine kiếm được khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm từ phí trung chuyển khí đốt cho Moscow trước khi Nga đưa quân sang nước này.

Hợp đồng quá cảnh khí đốt giữa Gazprom và Naftogaz được gia hạn lần cuối vào tháng 12/2019. Các bên đã đồng ý kéo dài thỏa thuận trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024, kèm theo khả năng gia hạn.

Sau khi đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) của Nga bị hư hại trong một vụ phá hoại năm ngoái, tuyến đường vận chuyển qua Ukraine là con đường duy nhất để khí đốt của Nga đến khu vực phía Tây và Trung Âu. Tuy nhiên, Gazprom vẫn cung cấp khí đốt thông qua đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và Blue Stream (Dòng chảy xanh) ở phía Nam và Đông Nam châu Âu.

Trong khi dòng khí đốt qua đường ống của Nga tới EU giảm mạnh trong một năm rưỡi qua do các lệnh trừng phạt đối với hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine và những thách thức kỹ thuật, một số quốc gia EU vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp của Nga.

Đặc biệt, Hungary đã nhiều lần tuyên bố ý định tiếp tục mua khí đốt của Nga để đáp ứng hầu hết nhu cầu của nước này. Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cho biết Budapest sẵn sàng thảo luận về các phương án thay thế cho việc nhập khẩu khí đốt của Nga, chẳng hạn như triển vọng tăng cường nguồn cung qua TurkStream.

Trước đó, khi Ukraine đề cập tới ý định hủy bỏ hợp đồng quá cảnh khí đốt qua nước này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết động thái này sẽ “giáng một đòn” vào EU, trong khi Ukraine sẽ “tự bắn vào chân mình khi mất đi nguồn thu lớn”.

Xem thêm >> 61 người Việt được giải cứu khỏi các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar

Tin mới lên