Tài chính quốc tế

Tỷ phú Elon Musk: Mỹ đã ‘vũ khí hoá’ quá mức đồng USD

(VNF) - Tỷ phú giàu nhất nước Mỹ Elon Musk mới đây đã cảnh báo rằng Mỹ đã "vũ khí hóa" quá mức đồng USD bằng các biện pháp trừng phạt, buộc các quốc gia khác phải giảm giao dịch sử dụng đồng tiền này.

Tỷ phú Elon Musk: Mỹ đã ‘vũ khí hoá’ quá mức đồng USD

Tỷ phú Elon Musk cảnh báo Mỹ đã "vũ khí hóa" quá mức đồng USD.

“Bây giờ bạn đang chứng kiến nhiều quốc gia giảm bớt giao dịch bằng USD vì chúng tôi đã ép buộc họ làm như vậy. Và điều này còn vượt xa cả Nga, Trung Quốc và Iran”,  người nắm giữ nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã tuyên bố trong một buổi phỏng vấn đầu tuần qua.

Vị tỷ phú đề cập tới quá trình các nước chuyển đổi sang giao dịch bằng tiền tệ quốc gia, đặc biệt là các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Ông nhấn mạnh rằng sự thay đổi này không phải là quyết định tự nguyện của các nước này mà là sự cần thiết buộc họ phải làm do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow liên quan đến Ukraine.

“Các nước như Brazil hay Ấn Độ vẫn muốn giao dịch với Nga. Họ không thể làm điều đó bằng USD, vì vậy họ buộc phải phi USD hóa các giao dịch của mình, do đó làm suy yếu sức mạnh của đồng USD trên thế giới”, ông Musk nhấn mạnh thêm.

Việc vũ khí hóa đồng USD đã khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt sau khi các lệnh trừng phạt đã cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây một cách hiệu quả.

Xu hướng phi USD hóa đang ngày càng gia tăng

Đồng USD vẫn luôn là đồng tiền dự trữ chính và là kênh dẫn cho hoạt động kinh doanh quốc tế kể từ khi Mỹ nổi lên như một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới sau Thế chiến thứ hai. Thuật ngữ “phi USD hóa” đề cập đến quá trình thoát khỏi sự phụ thuộc của thế giới vào đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), USD chiếm 59% dự trữ tiền tệ được phân bổ tính đến quý I/2023, vượt xa đồng euro ở mức chỉ dưới 20% và đồng yên Nhật ở mức khoảng 5%.

Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa rằng nó vẫn đứng đầu, tỷ trọng dự trữ tiền tệ được phân bổ của đồng USD đã giảm trong vài thập kỷ qua, giảm từ mức hơn 70% vào năm 2001. Sự sụt giảm này đã khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu thế giới có đang trải qua quá trình phi USD hóa hay không.

Các quốc gia muốn giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD đối với nền kinh tế của mình có thể áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để thoát khỏi cái bóng của đồng USD, các ngân hàng trung ương cần một loại tiền dự trữ thay thế vẫn cho phép họ củng cố hệ thống tài chính địa phương và tham gia thương mại quốc tế.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo là những loại tiền tệ nào khác sẽ phù hợp để các ngân hàng trung ương nắm giữ làm dự trữ chính thức? Các lựa chọn thay thế truyền thống cho đồng USD bao gồm đồng euro, đồng yên và đồng bảng Anh. Tuy nhiên, như IMF lưu ý, những loại tiền tệ này không tăng tỷ lệ phân bổ dự trữ tương ứng với sự sụt giảm của đồng USD.

Trung Quốc đã tham gia với tư cách là động lực của quá trình phi USD hóa, nhằm mục đích định vị đồng nhân dân tệ của mình như một loại tiền tệ dự trữ. Mặc dù các ngân hàng trung ương đã tăng tỷ lệ nắm giữ đồng nhân dân tệ nhưng tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng tiền này vẫn chỉ ở mức dưới 2,5%.

Sự gia tăng dự trữ đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 1/4 sự sụt giảm trong phân bổ đồng USD và Nga hiện nắm giữ khoảng 1/3 tổng dự trữ bằng đồng tiền Trung Quốc.

Trong bối cảnh có những nghi ngờ về khả năng tồn tại của đồng nhân dân tệ với tư cách là đồng tiền dự trữ, bao gồm cả tài khoản vốn đóng của Trung Quốc và khả năng kiểm soát tỷ giá hối đoái, các quốc gia đã phân bổ dự trữ cho đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn. Khoảng 3/4 sự thay đổi dự trữ khỏi đồng USD đã chuyển sang các loại tiền dự trữ phi truyền thống, bao gồm đồng USD Úc, USD Canada, krona Thụy Điển và won Hàn Quốc .

Một giải pháp thay thế khác là các ngân hàng trung ương phải dự trữ vàng và các nước trên thế giới đã và đang làm điều đó. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vào năm 2022 tăng vọt lên 1.136 tấn, tăng 152% so với năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 1950.

Bất chấp sự suy giảm tỷ trọng nắm giữ của ngân hàng trung ương nói chung, đồng USD vẫn được xem là đồng tiền dự trữ ưu việt. Thật khó để định lượng việc rời xa đồng USD một cách bền vững hơn có thể có ý nghĩa gì đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, đồng USD vẫn giữ được vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng xu hướng phi USD hóa dường như đang ngày càng gia tăng.

Thảo luận về phi USD hóa đã được đưa ra thường xuyên hơn vì cuộc chiến ở Ukraine. Khi Mỹ muốn gây tổn thất tài chính cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt và đóng băng dự trữ tiền tệ của Nga, sức mạnh trừng phạt của đồng USD đã được thể hiện. Điều này có thể thúc đẩy các quốc gia khác tìm cách hạn chế sử dụng đồng tiền của Mỹ.

Ngoài việc chuyển dự trữ của mình sang vàng hoặc các loại tiền tệ khác, các quốc gia đang giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách bỏ qua đồng tiền Mỹ trong các giao dịch quốc tế. Ví dụ, Trung Quốc đã thanh toán cho các giao dịch mua hàng hóa khổng lồ từ Nga bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD và họ cũng đã ký các thỏa thuận sử dụng đồng tiền của mình trong thương mại với Ả Rập Saudi và Brazil.

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay tiến trình phi USD hóa đang “đạt được động lực” và những thành viên của BRICS đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong các giao dịch chung.

Xem thêm >> IEA: Số lượng ô tô điện trên đường sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2030

Tin mới lên