VinFast Lux SA2.0 chạy điện lộ diện
Mới đây, một đoạn video đã hé lộ về một mẫu xe chạy điện đang chạy trên đường thử và được đồn đoán là chiếc SUV VinFast Lux SA2.0 chạy điện hoàn toàn mới sắp ra mắt.
Diện mạo của xe dù được che đậy khá kín nhưng không khó để có thể nhận ra mẫu xe này có thiết kế giống với mẫu SUV VinFast Lux SA2.0 chạy xăng.
Đặc biệt, không gian nội thất của mẫu xe chạy thử nghiệm này có thiết kế tương tự như Lux SA2.0 như cách bố trí màn hình cảm ứng giải trí trung tâm, cụm đồng hồ, vô-lăng và hệ thống điều hoà,…
Xem chi tiết tại đây.
Kia Seltos tăng giá bán cao nhất 10 triệu đồng
Bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra với nhiều diễn biến ngày càng phức tạp, cộng thêm vào đó là thị trường bị “đóng băng” khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhà phân phối Thaco lại bất ngờ tăng giá bán Kia Seltos từ 6-10 triệu đồng (tuỳ phiên bản).
Đi kèm với việc tăng giá bán, Thaco cũng nâng cấp thêm các trang bị tính năng tiện ích cho Kia Seltos. Cụ thể, phiên bản 1.4 Deluxe mới được trang bị thêm chìa khóa thông minh và khởi động nút bấm Start/Stop; hiên bản 1.4 Luxury mới sẽ được bổ sung thêm ghế lái chỉnh điện và cảm biến áp suất lốp.
Cuối cùng là phiên bản 1.4 Premium được nâng cấp thêm hệ thống lọc không khí cao cấp. Hệ thống này được điều khiển trên màn hình giải trí đa phương tiện với kích thước lớn nhất phân khúc lên đến 10,25 inch.
Xem chi tiết tại đây.
Ảnh nội thất 'sống' của xe điện VinFast VF e34 lộ diện
Nội thất của mẫu xe điện VinFast VF e34 được thiết kế khá đơn giản và bắt mắt. Cụ thể, cụm đồng hồ nằm sau tay lái với đường viền bao bằng kim loại, vô-lăng đáy phẳng tích hợp các phím chức năng và bọc da.
Khu vực chính ở khoang lái là một màn hình cảm ứng lớn được bố trí dạng thẳng đứng tương tự như mẫu xe điện của Tesla. Màn hình cảm ứng này có kích thước 10 inch, 6 loa âm thanh hiện đại, kết nối Apple CarPlay và Android Auto.
Bên dưới màn hình là các công tắc điều khiển các chức năng trên xe, núm điều khiển cần số dạng xoay. Xe được bố trí hai dàn lạnh độc lập và bề mặt bảng táp lô làm bằng chất liệu nhựa mềm. Ghế lái của xe chỉnh tay thay vì chỉnh điện.
Xem chi tiết tại đây.
Tháo gỡ khó khăn cho ô tô lắp ráp, trong nước
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo đó, 2 tỉnh này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số nội dung.
Thứ nhất, cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn từ sau năm 2022. Đồng thời, xem xét điều chỉnh điều kiện về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong quy định hiện nay, để khuyến khích đầu tư và chuyến giao công nghệ, nâng dần vị thế của ngành công nghiệp ô tô.
Thứ hai, đề nghị tiếp tục áp dụng chính sách về giãn, hoãn các khoản phải nộp, cụ thể là cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho một khoảng thời gian phù hợp đến hết năm 2021.
Thứ ba, cho phép tiếp tục áp dụng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thứ tư, hai tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ sớm điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Xem thêm: Xuất khẩu điện thoại 'made in Vietnam' thu về gần 30 tỷ USD bất chấp dịch Covid-19