OceanBank: Mở ra chương mới khi 'về' với MB

Khánh Tú - 18/10/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau gần một thập kỷ, OceanBank đã chính thức về với MB. Việc chuyển giao này mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của OceanBank, song, tương lai của ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số.

NHNN công bố chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) trong chiều 17/10. CBBank được chuyển giao cho Vietcombank thì OceanBank được chuyển giao cho MB. Như vậy, sau gần một thập kỷ, OceanBank cuối cùng cũng đã tìm được “nhà mới”.

Từ 67.000 tỷ về 0 đồng

Còn nhớ vào ngày 28/4/2020, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm mức án tù chung thân do để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần... Cú ngã ngựa của ông Hà Văn Thắm khiến OceanBank từ một ngân hàng với 22 năm hoạt động dưới mô hình ngân hàng tư nhân thành một ngân hàng 100% vốn Nhà nước.

Quay ngược lại năm 1993, thời điểm OceanBank được thành lập với tên ban đầu là Ngân hàng Nông thông Hải Hưng. Khi đó, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng là ngân hàng nông thôn đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hải Dương. Vốn điều lệ ban đầu của ngân hàng là 17,2 tỷ đồng.

Vốn là ngân hàng chủ yếu cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn của Hải Dương, bước ngoặt của OceanBank bắt đầu khi ông Hà Văn Thắm mua lại cổ phần, trở thành Phó chủ tịch HĐQT và sau đó là Chủ tịch của ngân hàng.

Năm 2007, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), đánh dấu cột mốc lịch sử khi ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị. Vốn điều lệ của OceanBank cũng tăng từ 170 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Chặng đường “thăng hạng” của OceanBank cũng bắt đầu từ đây.

OceanBank từng có giai đoạn "thăng hoa" từ năm 2007 - 2011.

Giai đoạn 2007 – 2013, các chỉ số như tổng tài sản, quy mô dư nợ, huy động vốn của OceanBank liên tục tăng nóng. Nếu như vào năm 2006 – một năm trước khi chuyển đổi mô hình, tổng tài sản của OceanBank chỉ là 1.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 663 tỷ đồng và cho vay đạt 242 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng lên 67.075 tỷ đồng trong khi huy động vốn và cho vay lần lượt đạt 51.924 tỷ đồng và 27.755 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Oceanbank lên tới 65%/năm. Tăng trưởng quy mô tín dụng và huy động vốn cũng lần lượt tăng 180% và 167% mỗi năm.

Thế nhưng sau khi những sai phạm của ông Phạm Văn Thắng – người nắm giữ tới 63% vốn của ngân hàng thông qua nhiều tổ chức, cá nhân liên quan, OceanBank phải “cõng” khối nợ xấu bằng 50% tổng dư nợ. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng âm hơn 10.000 tỷ đồng. Hành trình 22 năm phát triển dưới mô hình ngân hàng tư nhân chính thức khép lại vào tháng 5/2015. OceanBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng và VietinBank hỗ trợ quản trị.

Về nhà mới, chặng đường mới?

Kể từ năm 2015 đến nay, OceanBank không công khai báo cáo tài chính. Song, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2024, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của MB và chỉ đạo của NHNN, tổng tài sản của OceanBank tăng trưởng 23% trong năm 2023, đạt 113% kế hoạch. Tính đến hết năm 2023, dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 13%, vượt chỉ tiêu 104% kế hoạch”.

Ngoài ra, tính đến 31/12/2023, thu hồi, xử lý nợ có vấn đề của OceanBank đạt 407 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch đề ra. Sau hơn 8 năm tái cơ cấu, OceanBank đã xử lý và thu hồi trên 13.000 tỷ đồng nợ có vấn đề.

Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng.

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, OceanBank sẽ trở thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên do MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Dù việc chuyển giao này mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của OceanBank song tương lai của ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số.

MB, với vị thế là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu, có năng lực tài chính vững mạnh, kinh nghiệm dày dặn trong quản trị và phát triển, chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho OceanBank.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu một ngân hàng từng gặp nhiều khó khăn không chỉ phụ thuộc vào tiềm lực của đơn vị chủ quản, mà còn phụ thuộc vào cách thức vận hành, chiến lược phát triển dài hạn và khả năng thích ứng với biến động của thị trường. Liệu OceanBank có thể đạt được mục tiêu đề ra là “quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn” như đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN nói trong họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 vẫn là câu hỏi còn nhiều thách thức,

Cùng chuyên mục
Tin khác