(VNF) - Ông Jan Rielaender, Giám đốc Chương trình đánh giá đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Ngày nay có nhiều thứ phải quan tâm hơn thay vì chỉ quan tâm đến tiền”.
Sáng 26/2, Bộ Ngoại giao phối hợp với OECD tổ chức Tọa đàm Khởi động báo cáo đánh giá đa chiều, góp phần tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đưa ra một góc nhìn từ bên ngoài về quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, Việt Nam là nước có bước phát triển đáng khích lệ nhất trên thế giới kể từ khi đổi mới diễn ra đến nay, không ngừng đi lên và tăng trưởng, chuyển mình, thay đổi cơ cấu và cất cánh.
Tuy nhiên, ông Dione cho rằng dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng là vấn đề còn phải bàn để củng cố cơ sở nền tảng trở thành nước phát triển trung bình và thu nhập cao đến năm 2035.
Giám đốc MDCR Jan Rielaender cho biết thông qua Báo cáo MDCR, Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng kinh nghiệm và những kiến thức về cải cách của các quốc gia khác, đồng thời 53 quốc gia thành viên của OECD cũng có cơ hội hiểu Việt Nam hơn, học hỏi từ thành công và thách thức Việt Nam.
Ông Jan Rielaender nhìn nhận: “Đã lâu có sự đồng thuận lớn cho rằng GDP là mục tiêu quan trọng nhất đối với phát triển. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều thứ phải quan tâm hơn thay vì chỉ quan tâm đến tiền. Đó là sự tăng trưởng bao trùm, trong đó mọi người dân trong một quốc gia được phát triển hết tiềm năng và sống một cuộc sống xứng đáng. Đó là phát triển phải hài hòa với tự nhiên, tôn trọng những giới hạn. Cần coi các mục tiêu phát triển bền vững là một trong các mục tiêu quan trọng và phải đạt được vào năm 2030”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc OECD tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam để sớm khởi động quá trình xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Phó Thủ tướng dẫn lại một số nhận định về Việt Nam của các tổ chức quốc tế và đề nghị OECD, các cơ quan quốc tế và các bộ, ngành cần làm rõ bằng các số liệu cụ thể. Trong đó, dữ liệu đáng chú ý là theo báo cáo của tập đoàn McKinsey (tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới trong nhiều năm liền. Quy mô kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD) hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương. Việt Nam từng bước trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động.
Trong suốt thời gian dài, thu ngân sách chỉ tăng 10% - 12% thì tổng chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội vẫn luôn đạt 23% - 25%. Theo Báo cáo của UNDP năm 2018, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua với điểm số tiệm cận nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có ý chí và khát vọng vươn lên nhưng phải làm sao khơi thông và giải phóng nguồn năng lượng to lớn này để Việt Nam phát triển bứt phá. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các chiến lược, chính sách sẽ triển khai trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030 mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, có sự đóng góp của OECD và các tổ chức quốc tế.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.