'Ông chủ' giày Bata khốn khổ vì đất vàng và đọng vốn nhà nước

Việt Anh - 08/12/2020 06:47 (GMT+7)

(VNF) - Trái ngược với kì vọng sau phiên IPO của "ông chủ" mẫu giày quốc dân Bata trắng kẻ sọc xanh, Giày Thượng Đình liên tiếp gia tăng khoản lỗ lũy kế qua hàng năm. Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả xám xịt này là do khu "đất vàng" số 277 Nguyễn Trãi và sự chậm trễ trong việc thoái toàn bộ vốn nhà nước.

VNF
'Ông chủ' giày Bata khốn khổ vì đất vàng và đọng vốn nhà nước

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ triệt thoái vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD), doanh nghiệp mà UBND TP. Hà Nội đang sở hữu gần 6,4 triệu cổ phần, tương đương 68,67% vốn.

Chủ nhân của mẫu giày quốc dân

Tiền thân của Công ty Cổ phần Giày Thượng Đình là xí nghiệp X30, được thành lập vào năm 1957, thuộc quản lý của Cục quân nhu, Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam) với nhiệm vụ chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.

Trong giai đoạn 1973 - 1989, một số phân xưởng của X30 tách ra thành lập xí nghiệp mới theo yêu cầu phát triển của ngành giày Việt. Đến tháng 8/1978, Xí nghiệp giày vải Thượng Đình được thành lập trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp giày vải Hà Nội và Xí nghiệp giày vải Thượng Đình cũ. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng.

Trong lịch sử của các doanh nghiệp nhà nước, thật hiếm có thương hiệu nào như Giày Thượng Định, khi có hàng loạt sản phẩm bám sâu vào tâm trí của người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là hình ảnh đôi giày bata màu trắng, thiết kế giản đơn với phần đế cao su dẻo rất được ưa chuộng bởi sự bền bỉ, hữu dụng và phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Thành công ở thị trường trong nước, Giày Thượng Đình bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu sang nước ngoài, đầu tiên là thị trường Pháp và Đức vào năm 1992. Đến năm 2003, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) thì sản phẩm Giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường nội địa.

Mặc dù các mặt hàng giày dép nước ngoài như Thái Lan hoặc các nước láng giếng lân cận đã xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Giày Thượng Đình cả về chất lượng, mẫu mã lẫn giá cả, nhờ công ty có lợi thế tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, ngày 8/6/2015, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình đã thực hiện phiên phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với hơn 1,9 triệu cổ phiếu, mức giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, phiên IPO đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư lúc bấy giờ, khi tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua lên tới hơn 22 triệu đơn vị, gấp cả chục lần số lượng chào bán. Sự khốc liệt này được phản ánh đậm nét hơn nữa qua mức giá trúng, với mức giá cao nhất là 51.000 đồng/cổ phiếu và thấp nhất là 44.000 đồng/cổ phiếu, bình quân giá trúng là hơn 48.000 đồng/cổ phiếu, gấp gần 5 lần giá khởi điểm.

Tạm tính theo mức giá bình quân, vốn nhà nước thu về khi đó là hơn 90 tỷ đồng.

Năm 2016, Giày Thượng Đình chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM từ ngày 16/12/2016 với mã chứng khoán GTD, vốn hóa trên thị trường khi đó đạt hơn 400 tỷ đồng.

Nỗi đau hậu cổ phần hóa

Thời huy hoàng của Giày Thượng Đình kéo dài không lâu sau khi được cổ phần hóa. Không hẳn do cơ cấu cổ đông thay đổi, mà lúc này thị trường giày dép đã bước sang giai đoạn cần thời trang, cần mẫu mã đẹp và đa dạng chứ không chỉ cần sự bền bỉ - điều mà các sản phẩm của Giày Thượng Đình chưa đáp ứng được.

Tương tự Giày Thượng Đình, nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác như mỳ Miliket, kem Thủy Tạ, cao su Sao Vàng... cũng chật vật tìm chỗ đứng trước làn sóng hội nhập.

Thời điểm đó, thị trường nội địa liên tiếp đón nhận những cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu giày nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Puma... với nhiều mẫu mã thời trang, hiện đại. Tuy nhiên, Giày Thượng Đình dường như chưa thích nghi được với làn sóng thời trang khốc liệt này, công ty vẫn chưa có sự thay đổi quyết liệt về các dòng sản phẩm mới, để rồi phải sớm tỏ ra hụt hơi và vơi mất dần thị phần.

Đến nay, sự vắng bóng của những đôi giày Thượng Đình trên kệ hàng đã trở thành điều quá đỗi bình thường. Với nhiều người tiêu dùng, họ chỉ nhớ đến thương hiệu này khi cần mua một đôi giày phù hợp với hoạt động thể thao bình dân hoặc để đi lao động.

Có thể thấy tình hình suy giảm một cách rõ nét qua kết quả kinh doanh của Giày Thượng Đình trong giai đoạn này. Nếu như những năm đầu của thập niên 2010, Giày Thượng Đình ghi nhận doanh thu duy trì trên mức 300 tỷ đồng và thường xuyên có lãi thì bước đến năm 2016, các chỉ số này đều lao dốc một cách phi mã.

Cụ thể, kết năm đầu tiên thực hiện cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu lên sàn, doanh thu của công ty bấy giờ chỉ còn 126 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức "mấp mé" 460 triệu đồng. Kết quả này được hình thành trong bối cảnh doanh thu èo uột, thế nhưng các chi phí vận hành vẫn ở mức cao chót vót, mà lớn nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp...

Thêm một điểm nữa cần lưu tâm, đó là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh khi đó đã đảo chiều âm hơn 24 tỷ đồng. Sự thiếu hụt về "dòng máu" cho thấy công ty còn đang gặp khó trong việc duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2017, nhờ mở thêm nhiều đại lí ở trong nước, kết hợp với chính sách bán hàng linh hoạt, doanh thu từ thị trường nội địa của công ty đã được cải thiện đáng kể, tăng 60% so với năm trước lên mức 202 tỷ đồng.

Dẫu vậy, mức tăng của giá vốn sản phẩm lại nhanh hơn so với mức tăng của doanh thu (tăng 67%), khiến lợi nhuận gộp của công ty vẫn đì đẹt ở mức 27 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với năm 2016.

Trong khi đó, các khoản chi phí vẫn chưa được tiết giảm, cá biệt chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng gấp hai lần lên gần 39 tỷ đồng khiến công ty báo lỗ trước thuế 17 tỷ đồng - đánh dấu chuỗi làm ăn bết bát lần đầu tiên từ sau cổ phần hóa. Lúc này, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm gần chục tỷ đồng.

Như vậy bình quân mỗi ngày, Giày Thượng Đình thu về hơn 550 triệu đồng tiền bán hàng, nhưng lại lỗ 46 triệu đồng/ngày.

Tổng kết năm 2018 và 2019, kết quả kinh doanh đầy "màu xám" này tiếp tục đeo bám Giày Thượng Đình, khi công ty gánh lỗ lần lượt là 17 tỷ đồng và 13,2 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu giảm dần còn 174 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo của hãng giày lúc này cho biết, kể từ sau khi hoạt động theo mô hình cổ phần, Giày Thượng Đình vẫn gặp khó trong sản xuất và kinh doanh, do chi phí bình quân mỗi sản phẩm bán ra vẫn rất cao, khó cạnh tranh với các đối thủ ở Trung Quốc và cả Việt Nam.

Mặt khác do thay đổi xu hướng tiêu dùng giầy dép, chuyển từ dòng giầy vải lưu hóa sang dòng giầy thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của công ty giảm mạnh.

Ngoài ra, khách hàng "đổ buôn" lại tỏ ra không yên tâm đặt hàng trước thông tin công ty phải di dời nhà máy vào cuối năm 2018, đơn cử như khách hàng lớn có giá bán tốt đã dừng kế hoạch đặt hàng là công ty Nippon Skin Sumikin tới từ Nhật Bản, đơn vị chiếm 70% sản lượng giày xuất khẩu của Giày Thượng Đình.

Thêm vào đó, công tác thoái vốn nhà nước chưa rõ ràng cũng khiến việc hoạch định sản xuất kinh doanh gặp khó. Theo kế hoạch số 1555/UBND-KT ban hành ngày 4/4/2017, thì Giày Thượng Đình sẽ thoái vốn nhà nước trong năm 2017 và 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Kể cả kế hoạch di dời nhà máy ở số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội xuống tỉnh Hà Nam vẫn ách lại, kéo theo hoạt động đầu tư máy móc thiết bị mới, cải tạo nhà xưởng cũng vì đó mà trì trệ.

"Việc phát triển thêm chủng loại sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng rất khó khăn", ban lãnh đạo công ty giải trình.

Việc kinh doanh thua lỗ cũng khiến tổng tài sản của công ty bị bào mòn, giảm dần từ 185 tỷ đồng (năm 2016) xuống còn 143 tỷ đồng (năm 2019). Trong khi nợ phải trả đứng vững ở mức trên 90 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ngày càng thụt lùi do khoản lỗ lũy kế phình to. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu kết năm 2019 là 1,44 lần.

Năm 2020, HĐQT Giày Thượng Đình dự báo khách hàng xuất khẩu và đơn hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó, do nhà máy hiện nay đã rất cũ, không được xây mới hoặc cải tạo. Hơn nữa, máy móc, công nghệ lạc hậu và cũ kĩ cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát làm cho sản lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể, chính vì vậy, HĐQT Giày Thượng Đình đã "ngậm ngùi" đặt kế hoạch lỗ sau thuế 13 tỷ đồng cho năm nay.

Gánh nặng "đất vàng" 277 Nguyễn Trãi

Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân chính làm Giày Thượng Đình lao đao đó là việc di dời nhà máy sản xuất tại số 277 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nếu như trước đó, khu đất "vàng" giữa lòng thủ đô này là điểm mạnh hấp dẫn nhà đầu tư tham gia IPO của công ty, thì nay đó lại là "ung nhọt" mà Giày Thượng Đình muốn "cắt bỏ".

Khu đất đắc địa này có quy mô hơn 36.100 m2, chiếm phần lớn là diện tích nhà xưởng, ngoài ra Giày Thượng Đình cũng sở hữu một số khu đất có giá trị khác như phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân và khu đất Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa...

Việc nắm giữ quỹ đất có giá trị lớn, khiến công tác định giá, sắp xếp và xử lý đất đai gặp nhiều khó khăn, dẫn tới câu chuyện tắc nghẽn trong chuyện thoái vốn nhà nước. Giống như Giày Thượng Đình, các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác như Công ty Cổ phần Hanel với quỹ "đất vàng" hàng nghìn m2 rải khắp TP. Hà Nội (số 2 Chùa Bộc, quận Đống Đa có tổng diện tích 2.660 m2)... cũng gặp tình trạng khó khăn về thoái vốn nhà nước tương tự.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ban lãnh đạo công ty một lần nữa bóc tách cụ thể những khó khăn mà việc chậm trễ di dời nhà máy đem lại.

Theo đó, Giày Thượng Đình cho rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh tại nhà máy ở 277 Nguyễn Trãi rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.

Ngược lại, yêu cầu đơn hàng của khách hàng ngày càng khắt khe, đòi hỏi chất lượng tốt, nhưng nhà máy Thượng Đỉnh đã cũ, cải tạo khó, máy móc thiết bị cũng đã cũ, lạc hậu về công nghệ nên khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Trong trường hợp di dời, hãng giày này cho rằng nhà nước, nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc mất quá nhiều vốn, bởi lẽ việc sản xuất kinh doanh tại nhà máy hiện nay là không hiệu quả, còn các chi phí lại tăng rất nhanh.

"Hội đồng quản trị công ty, tổ giữ vốn, lãnh đạo công ty chỉ đạo lập kế hoạch di dời, xin UBND TP. Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt", ban lãnh đạo công ty nêu.

Ở góc độ thực hiện thoái vốn nhà nước, Giày Thượng Đình cũng "tha thiết" mong UBND TP. Hà Nội sớm đẩy nhanh phê duyệt quyết định các phương án sắp xếp lại, xử lí nhà, đất sử dụng trên địa bàn thành phố, nhằm thực hiện việc thoái toàn bộ vốn nhà nước một cách nhanh nhất, với hy vọng sẽ xuất hiện các nhà đầu tư có đủ năng lực và giải pháp tài chính để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh...

 

Một chuyên gia kinh tế cho biết, thời gian gần đây công luận rất bức xúc với những kẽ hở trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công.

"Một số cổ đông vốn là lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa đã lạm dụng quyền lực, quyền hạn để tạo ra một nhóm cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, biến doanh nghiệp nhà nước thành sở hữu tư nhân (gia đình trị)", vị này nhận định.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.