Ông lớn thuỷ sản Việt: 'Vua' tham vọng lập kỷ lục,'nữ hoàng' thận trọng chờ thời

Hoàng Anh - 21/06/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thuỷ sản ấm dần, các ông lớn đều ưu tiên tập trung cho kết quả kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại mang trong mình những sắc thái và tâm thế khác nhau.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường xuất khẩu thuỷ sản đang ấm dần

Xét theo cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu cua ghẹ đang là “tâm điểm” khi tăng đột biến 84%. Theo sau là cá ngừ với mức tăng khả quan 22%; nhuyễn thể với mức tăng ổn định 13%. Cuối cùng là tôm và cá tra với mức tăng lần lượt 7% và 4%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá đang giảm lần lượt 1% và 3%.

Xét theo cơ cấu thị trường, Mỹ tiếp tục là “miền đất hứa” khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 7%. Kế đến là Hàn Quốc với mức tăng 2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP đánh giá, các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ là chỉ báo cho thấy sự phục hồi của ngành thuỷ sản so với năm 2023.

Theo quan sát, ngay từ đầu năm 2024, vào thời điểm xuất khẩu cá chưa thực sự khả quan, Công ty CP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) và Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) - bộ đôi được mệnh danh là "vua" và "nữ hoàng" cá tra đã có sẵn cho mình những kịch bản kinh doanh cao với kỳ vọng với mức tăng trưởng dương.

Về phía ngành tôm, Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cao nhất lịch sử. Trong khi đó, Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) - "ông trùm" xuất khẩu tôm thể hiện rõ tham vọng gia nhập "đường đua" bán cá.

Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang ưu tiên tập trung cho kết quả kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại mang trong mình những sắc thái và tâm thế khác nhau.

Tham vọng

Tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây, "vua tôm" một thời Minh Phú dự trình kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 18.568,7 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.267,5 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

"Vua tôm" Minh Phú muốn thiết lập kỷ lục kinh doanh trong năm 2024

Kế hoạch này khiến giới đầu tư không khỏi hoài nghi khi doanh nghiệp này vừa lỗ kỷ lục gần 98 tỷ đồng trong năm 2023. Riêng trong quý IV/2023 vừa qua, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú chỉ đạt 12 tỷ đồng, “bốc hơi” 95% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặt trong bối cảnh thực tế, để thực hiện tham vọng, "vua tôm" sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện nay, trên thị trường tôm toàn thế giới, tôm Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh không hề nhỏ từ phía Ecuador khi giá tôm của nước bạn chỉ bằng ½ giá tôm của Việt Nam.

Chưa kể, giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm qua bị giảm một cách đột ngột do ảnh hưởng gián tiếp từ lãi suất cao của FED. Người dân tại Mỹ chủ yếu sử dụng tiền vay, nên lãi suất phải trả cao họ không chịu nổi, buộc phải tiết kiệm chi tiêu, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm.

Đối mặt với những thách thức trên, ban lãnh đạo Minh Phú dự kiến thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và giữ chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Theo đó, doanh nghiệp, sẽ không cạnh tranh với sản phẩm tôm từ Ấn Độ và Ecuador thông qua khía cạnh giá cả, mà sẽ tập trung vào việc gia tăng chất lượng và tạo sự khác biệt trên thị trường. Cùng với đó là tập trung hoàn thành và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBio nhằm đưa giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam thấp ngang với Ecuador từ năm 2030 và phấn đấu đạt mục tiêu tự cung cấp 50% nhu cầu nguyên liệu tôm cho các nhà máy chế biến của công ty từ năm 2035.

Một doanh nghiệp thuỷ sản khác cũng bước vào "đường đua" với tinh thần tham vọng là Nam Việt. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu năm 2024 mang về 5.000 tỷ đồng doanh thu và 306 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt vượt 13% và 685% so với thực hiện năm 2023. Với chỉ tiêu trên, HĐQT dự kiến cổ tức dao động 5 -10%.

Thuỷ sản Nam Việt đặt mục tiêu tăng trưởng hàng trăm phần trăm

Bên cạnh đó, Nam Việt dự kiến trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán phát hành thêm 133 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2023.

Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của "vua cá tra" sẽ tăng gấp đôi, lên mức 2.666 tỷ đồng, vượt qua “nữ hoàng” Vĩnh Hoàn (hiện có vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng).

Thận trọng

Trong khi đó, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế như có giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần, giữ vị trí số 1 về xuất khẩu cá tra sang Mỹ, là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành công sản xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra, Vĩnh Hoàn lại tỏ ra vô cùng thận trọng.

Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, doanh nghiệp này đã lên đặt ra 2 kịch bản.

Ở kịch bản cơ bản, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 800 tỷ đồng, giảm 12,9% so với thực hiện trong năm 2023.

Ở kịch bản cao, doanh thu dự kiến đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 1.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện trong năm 2023.

Vĩnh Hoàn thận trọng chờ thời

Trên thực tế, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn thời gian gần đây đã có dấu hiệu suy giảm. Kết thúc quý I/2024, mặc dù mang về 2.855 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 189 tỷ đồng, tương ứng giảm 16%.

Bên cạnh đó, "nữ hoàng cá tra" cũng đang phải đối mặt với áp lực cải thiện dòng tiền. Kết thúc quý I, dòng tiền kinh doanh chính của Vĩnh Hoàn tiếp tục âm 250,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 431,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 431,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 553,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Tại thời điểm 31/3/2024, Vĩnh Hoàn đang đầu tư hơn 160 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, và đang phải trích lập dự phòng gần 27 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 16,6% tổng danh mục đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng 26 tỷ cho mã DXS của Đất Xanh Services.

Đánh giá về Vĩnh Hoàn, Chứng khoán DSC cho hay, doanh nghiệp đang có tốc độ hồi phục nhanh hơn so với thị trường chung và có thể điều chỉnh giá bán ở mức 5-10% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ vô hiệu hóa lợi thế thuế POR 0% của Vĩnh Hoà, khiến giá bán có thể tăng chậm hơn trước sự cạnh tranh của các đối thủ mới gia nhập thị trường.

Dù vậy, DSC cũng cho rằng Vĩnh Hoàn đang "chờ thời" nhờ bệ đỡ vững chắc. Theo đơn vị này, việc các sản phẩm của Nga đang bị áp các lệnh cấm vận và trừng phạt sẽ khiến nước này xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng với giá rẻ hơn vào thị trường Trung Quốc, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự tăng trưởng doanh thu tại tại một số thị trường ngoài Trung Quốc là một tín hiệu tốt đối với Vĩnh Hoàn. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến sức khoẻ với mức tăng trưởng 110% cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy đà đi lên của "nữ hoàng cá tra".

Táo bạo

Táo bạo là những gì mà giới quan sát mô tả về kế hoạch kinh doanh của Camimex. Tại ĐHĐCĐ vừa qua, “ông trùm” xuất khẩu tôm đã thống nhất chủ trương "lấn sân" sang lĩnh vực mới là chế biến cá (cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi) và đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).

Bước đầu trong kế hoạch, Camimex dự kiến mua lại nhà máy chế biến cá của Hùng Vương. Động thái này nhằm giải quyết vấn đề nhà máy chế biến tôm hiện tại không phù hợp để sản xuất cá và việc cải tạo nhà máy tôm để đầu tư máy móc cũng không khả thi. Còn về chế biến, Camimex sẽ nhờ tới sự hỗ trợ của một bên liên quan là Thảo Anh Fish.

"Ông trùm” xuất khẩu tôm Camimex muốn bán cá

Được biết, Camimex dự kiến chi 420 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm 2024. Cụ thể, công ty chi 120 tỷ đồng cho kho lạnh 6.000 tấn và 300 tỷ đồng cho nuôi thủy sản công nghệ cao. Cùng với đó, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, "ông trùm" xuất khẩu tôm đã giải thể công ty con Camimex Logistics.

Năm 2024, Camimex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 2.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, tương đương tăng 23% và 57% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành, doanh nghiệp sẽ chinh phục mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Chứng khoán nửa cuối năm: Quen dần với biến động lớn

Chứng khoán nửa cuối năm: Quen dần với biến động lớn

(VNF) - 2024 có thể là một năm bản lề cho sự phát triển trung hạn của nền kinh tế cũng như của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên nếu nhìn vào các yếu tố quan trọng, có lẽ 2024 chưa phải là một năm thực sự thăng hoa của thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư duy nhất muốn bỏ vốn làm khu đô thị 500 tỷ ở Quảng Bình

Nhà đầu tư duy nhất muốn bỏ vốn làm khu đô thị 500 tỷ ở Quảng Bình

(VNF) - Liên doanh Công ty cổ phần Quảng Hà Land – Công ty cổ phần Tổng hợp Thành Trung là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị có tổng mức đầu tư 489 tỷ đồng ở Quảng Bình.

Pacific Airlines sắp bay trở lại

Pacific Airlines sắp bay trở lại

(VNF) - Sau gần 3 tháng dừng bay, Pacific Airlines dự kiến sẽ cất cánh trở lại từ 26/6 với 1 tàu bay thuê lại của công ty mẹ là Vietnam Airlines.

EU phê chuẩn lệnh trừng phạt chưa từng có lên năng lượng Nga

EU phê chuẩn lệnh trừng phạt chưa từng có lên năng lượng Nga

(VNF) - Bỉ, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), cho biết khối này sẽ tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có lên lĩnh vực khí đốt sinh lợi của nước này.

PVcomBank triển khai tính năng mua sắm hoàn tiền trên PVConnect

PVcomBank triển khai tính năng mua sắm hoàn tiền trên PVConnect

(VNF) - Hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đa tiện ích trên nền tảng trực tuyến, đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây vừa chính thức triển khai tính năng “Mua sắm hoàn tiền” trên ứng dụng ngân hàng số PVConnect.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam  Á

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á

(VNF) -Ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù trong khó khăn nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tôi đi làm báo kinh tế

Tôi đi làm báo kinh tế

(VNF) - Sau hơn hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực báo chí kinh tế, tôi nhận thấy con đường duy nhất để tồn tại là toàn tâm toàn ý cho việc phát triển nội dung. Chỉ khi phục vụ bạn đọc tốt nhất, báo chí mới có thể tồn tại được.

Công ty chip khuynh đảo thị trường: NVIDIA giành 'ngôi vương', TSMC liên tục phá kỷ lục

Công ty chip khuynh đảo thị trường: NVIDIA giành 'ngôi vương', TSMC liên tục phá kỷ lục

(VNF) - Trong khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần giúp NVIDIA trở thành công ty có giá trị nhất thế giới, thì một "gã khổng lồ" khác cũng đang đạt những bước tiến đáng ngưỡng mộ nhưng ít "ồn ào" hơn, chính là TSMC.

Lãi vay mua nhà xuất hiện mức thấp kỷ lục, chỉ từ 3%

Lãi vay mua nhà xuất hiện mức thấp kỷ lục, chỉ từ 3%

(VNF) - Một chủ đầu tư liên kết với ngân hàng cho ra mắt giải pháp vay mua nhà chuyển nhượng với lãi suất cố định thấp nhất thị trường chỉ từ 3%/năm. Khách hàng chỉ cần thanh toán từ 20%, thời hạn cho vay tới 35 năm.