Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'TP. Thủ Đức sẽ là thành phố của trí tuệ nhân tạo’
Ngọc Lưu -
15/12/2020 06:52 (GMT+7)
(VNF) - Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP. HCM, cho biết tại TP. Thủ Đức dự kiến sẽ xây dựng trung tâm siêu máy tính lớn nhất Việt Nam và thậm chí có thể là trung tâm siêu máy tính nhanh nhất khu vực ASEAN.
Năm 2000 chỉ ước Việt Nam có 1 triệu người làm công nghệ thông tin, doanh số vài chục tỷ USD
Phát biểu tại lễ vinh danh và trao chứng nhận Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức tối 14/12, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đến hôm nay, Việt Nam đang chứng kiến một ước mơ trở thành hiện thực".
Cụ thể, ông Nhân cho biết từ những năm 1980 - 1990, việc coi công nghệ thông tin là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đã nói nhiều, nhưng lúc đó không biết nên đi vào "cứng hay mềm". Bởi làm phần cứng thì cần nhiều vốn còn làm phần mềm thì năng lực còn hạn chế.
Theo ông Nhân, thời điểm đó, cả nước chỉ có khoảng 30.000 – 40.000 người làm công nghệ thông tin, doanh số mỗi năm chỉ khoảng 300 – 400 triệu USD.
"Những năm 2000, chúng tôi chỉ ước rằng ngày nào Việt Nam có được 1 triệu nhân lực làm công nghệ thông tin, doanh số vài chục tỷ USD thì có thể ngẩng đầu nói với thế giới rằng đất nước chúng tôi mạnh về công nghệ thông tin", ông Nguyễn Thiện Nhân nhớ lại.
Đến bây giờ, đúng 20 năm sau, ông Nhân bày tỏ niềm vui mừng và tự hào khi cả nước đã có hơn 1 triệu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin.
"Thế giới có 7 tỷ người và có 53 triệu người làm công nghệ thông tin, như vậy tỷ lệ người làm công nghệ thông tin của toàn thế giới chiếm 0,69% dân số. Việt Nam có 97 triệu dân thì có 1 triệu người làm công nghệ thông tin. Như vậy chúng ta gấp rưỡi tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin so với toàn cầu", ông Nhân nhẩm tính.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng 1 triệu lao động này chính là “quả đấm kinh tế” bởi họ tạo ra 120 tỷ USD một năm. Cũng 1 triệu lao động này đã đóng góp tới 14,3% GDP cả nước và cứ trên 10% thì đã được xem là kinh tế chủ lực.
"1 triệu nhân lực này tạo ra 14,3% GDP cả nước, như vậy năng suất lao động của 1 người làm công nghệ thông tin bằng 7,7 lần năng suất lao động cả nước. Đây là chỉ số rất quan trọng", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại sự kiện.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin là 50% nhưng từ 2016 – 2020 chỉ còn lại 15%, ông Nhân cho rằng đây thực sự là vấn đề cần phải suy nghĩ và phải cố gắng trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 tăng lên 20%.
Theo ông Nhân, cơ hội số hoá trong giai đoạn này là cực kỳ lớn. Nếu số hoá được toàn bộ tài nguyên dữ liệu của các doanh nghiệp trong các ngành, của các cơ quan nhà nước, các bệnh viện, các trường học… lúc đó trí tuệ nhân tạo sẽ bước vào để tối ưu hoá các quy trình làm việc, từ đó tăng năng suất lao động. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Về nhân lực công nghệ thông tin, ông Nhân cho biết 10 năm qua, nhân lực trong ngành này đã tăng 9,09% mỗi năm. Nếu giữ được tốc độ này trong 10 năm tới thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu người làm công nghệ thông tin. Đây thực sự là “quả đấm kinh tế” của Việt Nam.
TP. Thủ Đức sẽ là thành phố của trí tuệ nhân tạo
Nói về việc phát triển công nghệ thông tin tại TP. HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố vừa được Quốc hội chấp thuận thành lập TP. Thủ Đức. Đây sẽ chính là thành phố của trí tuệ nhân tạo, thành phố của tri thức.
Ông Nhân cho biết việc thành lập TP. Thủ Đức đã được lãnh đạo TP. HCM nghiên cứu và lựa chọn dựa trên 4 sự tích hợp. Thứ nhất là quận 9 có khu công nghệ cao xuất khẩu 20 tỷ USD, trong khi chi phí đầu tư chỉ hơn 8 tỷ USD.
Thứ hai, theo ông Nhân, ở đây có đại học quốc gia và một số đại học khác với mật độ 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sỹ đào tạo. Đây sẽ là những nguồn nhân lực quan trọng để phát triển công nghệ thông tin.
"Chúng tôi dự tính sẽ làm trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước đặt tại Thủ Đức và đây cũng chính là đề xuất của một doanh nghiệp tại Mỹ", ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Thứ ba, ông Nhân cho biết dự kiến sẽ xây dựng trung tâm siêu máy tính lớn nhất Việt Nam và thậm chí có thể là trung tâm siêu máy tính nhanh nhất ASEAN đặt tại TP. Thủ Đức.
Thứ 4 là về hạ tầng, TP. Thủ Đức đã quy hoạch có tàu điện ngầm, có cảng container, cách 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất khoảng 30-35km.
"Tất cả các yếu tố sẽ biến TP. Thủ Đức trong tương lai trở thành thành phố của trí tuệ nhân tạo", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone