Tiêu điểm

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói lý do thôi nhiệm vụ Chủ tịch nước

(VNF) - Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói lý do thôi nhiệm vụ Chủ tịch nước

Nguyễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 4/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức lễ bàn giao công tác của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. 

Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá trong suốt quá trình công tác, hơn 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.

Theo Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, vừa qua nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã gương mẫu chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vì một số cán bộ lãnh đạo dưới quyền vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên ông làm đơn xin thôi giữ các chức vụ phân công, nghỉ công tác, nghỉ hưu. 

Phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Chủ tịch nước từ ngày 5/4/2021 đến 18/1/2023 là gần 21 tháng. Tuy nhiên, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

"Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, cuộc họp bất thường của T.Ư và phiên họp bất thường của Quốc hội, tôi đã nêu vấn đề này một cách dứt khoát, rõ ràng. Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của tôi, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để tôi thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV", ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước, xem xét nguyện vọng của ông, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để ông thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông có trình độ cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Ông là ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII và XIII; ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII và XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII và XIV.

Trong quá trình công tác, ông Phúc từng giữ các chức vụ như giám đốc Sở Du lịch, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khoá 15 và khoá 16; trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh, phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Năm 2006, ông được điều động, bổ nhiệm làm phó tổng Thanh tra Chính phủ. Tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong năm 2006, ông được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm thường trực, phó bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ.

Đến tháng 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 1/2011, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Nguyễn Xuân Phúc được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đồng thời được bầu ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Sau đại hội, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 3/8/2011, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng thường trực.

Năm 2015, tại hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử là một trong các ứng viên cho chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng. Đến tháng 1/2016, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 7/4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ, kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ Việt Nam.

Tin mới lên