Tài chính quốc tế

Ông Putin sửa luật bầu cử Tổng thống, lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt

(VNF) - Thế giới tuần qua ghi nhận nhiều sự kiện chính trị đáng chú ý, khi các nhà lãnh đạo trên thế giới tụ họp tại San Francisco (Mỹ) để tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, trong đó phải kể đến cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Putin sửa luật bầu cử Tổng thống, lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt

Ảnh minh hoạ.

Tổng thống Mỹ - Chủ tịch Trung Quốc gặp mặt

Ngày 15/11, bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau 1 năm, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đang gia tăng căng thẳng.

Theo giới truyền thông, cuộc gặp mặt giữa 2 nhà lãnh đạo tối cao kéo dài khoảng 4 giờ ở ngoại ô San Francisco để thảo luận về các vấn đề khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng.

"Chỉ nói chuyện, chỉ thẳng thắn với nhau để không hiểu lầm thôi", Tổng thống Biden nói về cuộc gặp mặt.

Sau cuộc gặp mặt, chính phủ hai nước có kế hoạch nối lại các liên hệ quân sự mà Trung Quốc đã cắt đứt sau khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022. Ngoài ra, ông Joe Biden cho biết ông và ông Tập đã đồng ý liên lạc cấp cao.

Tuy cuộc gặp mặt không làm thay đổi một loạt các hạn chế đầu tư và thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng theo người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết việc nối lại liên lạc là rất quan trọng vào thời điểm rất bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời gửi tín hiệu về việc hợp tác toàn cầu.

Trong bài phát biểu sau cuộc gặp mặt, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng trở thành đối tác và bạn bè của Mỹ. Các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi tuân theo trong việc định hướng mối quan hệ Trung-Mỹ là tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp mặt tại ngoại ô San Francisco ngày 15/11.

Khai mạc Diễn đàn APEC lần thứ 30

Ngày 16-17/11, hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã diễn ra tại San Francisco (Mỹ). trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 diễn ra tại cùng thành phố.

Với chủ đề "Tạo dựng một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”, hội nghị nhằm xây dựng một khu vực APEC mang tính liên kết, đổi mới và bao trùm hơn.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cấp cao và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tham dự với tư cách khách mời. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc trên cương vị là chủ trì hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Thế giới đang đứng trước sự thay đổi đáng kể, do đó, mỗi quyết định mà chúng ta đưa ra sẽ quyết định đường hướng phát triển tiếp theo của không chỉ một vài nước mà cả thế giới, trong vài thập kỷ tới".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập đến việc các nước cần nỗ lực hợp tác để đạt được tiến bộ thực chất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C như mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC cần hành động mạnh mẽ để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Kết thúc 2 ngày làm việc, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người. 

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ và kinh tế để tiếp tục giải phóng tiềm năng và sự năng động to lớn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết mọi thách thức môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu”.

Nợ công toàn cầu cao kỷ lục

Ngày 16/11, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đã công bố báo cáo về nợ công toàn cầu, ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm.

Theo IIF, nợ chính phủ trong quý III có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

Báo cáo cũng lưu ý rằng nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu. Dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ít thay đổi ở mức 333%, tỷ lệ này lên tới 255% tại các thị trường mới nổi, tức cao hơn 32% so với cùng kỳ 5 năm trước, chủ yếu do nợ công của Nga, Trung Quốc, Arab Saudi và Malaysia tăng. 

IIF cảnh báo rằng gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn đang gia tăng ở các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, gây nhiều tác động tiêu cực đến nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bầu cử và chuyển đổi năng lượng sạch.

Nga sửa đổi luật bầu cử Tổng thống

Sau khi được Hạ viện thông qua ngày 25/10 và Thượng viện thông qua ngày 8/11, Luật sửa đổi bầu cử Tổng thống của Nga đã được Tổng thống Putin phê chuẩn vào ngày 14/11 vừa qua, trong đó có những điểm mới về việc ứng cử và bầu cử tại những vùng đang thiết quân luật.

Theo đó, luật quy định thủ tục tiến hành bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu ở nước ngoài, theo đó thời điểm bắt đầu, kết thúc và thời gian bỏ phiếu có thể được thay đổi theo quyết định của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự nếu việc bỏ phiếu đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của công dân Nga. 

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy định về quyền chụp ảnh, quay phim tại các điểm bỏ phiếu và nghĩa vụ tuân thủ quy định bảo mật bỏ phiếu và bảo vệ bí mật của dữ liệu cá nhân trong danh sách cử tri và các văn kiện khác.

Về đối tượng ứng cử Tổng thống, luật sửa đổi quy định nếu một ứng cử viên đã đăng ký tranh cử có tiền án, người này phải cung cấp cho ủy ban bầu cử thông tin về hồ sơ tội phạm của mình bằng văn bản. Đồng thời, người bị xử phạt hành chính không được là thành viên các ủy ban bầu cử có quyền tư vấn bỏ phiếu cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn Chính phủ đóng cửa

Tổng thống Joe Biden hôm 16/11 đã ký thành luật dự luật chi tiêu tạm thời, ngăn chặn tình trạng đóng cửa của chính phủ và thiết lập một cuộc chiến gây tranh cãi về nguồn tài trợ trong năm tài chính mới.

Dự luật này này, đã được cả 2 viện thông qua một cách nhanh chóng, với sự ủng hộ của lưỡng đảng cho Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, là một kế hoạch gồm 2 bước bất thường nhằm đặt ra 2 thời hạn mới vào tháng 1 và tháng 2/2024.

Kế hoạch này không phải là dự luật chi tiêu cả năm mà chỉ gia hạn tài trợ cho đến ngày 19/1 cho các ưu tiên bao gồm xây dựng quân sự, vấn đề cựu chiến binh, giao thông vận tải, nhà ở và năng lượng. Những lĩnh vực không thuộc ưu tiên tài trợ trong giai đoạn 1, sẽ được phê duyệt tài trợ cho đến ngày 2/2.

Viện trợ cho Ukraine sau khi hỗ trợ quân sự bổ sung không được đưa vào dự luật tạm thời. Biện pháp này cũng không bao gồm hỗ trợ quân sự cho Israel.

Trước đó, dự luật được thông qua với tỷ lệ 336-95 tại Hạ viện vào ngày 14/11, với nhiều đảng viên Đảng Dân chủ hơn đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ. Thượng viện cũng nhanh chóng thông qua dự luật này chỉ 1 ngày sau đó.

Thủ đô Zimbabwe ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch tả

Dịch tả tại Zimbabwe diễn biến vô cùng phức tạp.

Ngày 17/11, Chính phủ Zimbabwe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Harare do dịch tả bùng phát. 

Thị trưởng Harare Ian Makone cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh hàng chục người tại thành phố này đã tử vong do dịch tả, trong khi hơn 7.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Theo các nhà chức trách, điểm nóng của đợt bùng phát mới nhất này là vùng ngoại ô Kuwadzana đông dân cư - nơi chiếm tới 50% số ca mắc bệnh và tử vong trên toàn thủ đô Harare. Việc thiếu nhân viên y tế để điều trị các ca bệnh, cũng như thiếu nguồn lực để ngăn chặn sự lây truyền bệnh được xem là các nguyên nhân khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. 

Ngoài thủ đô Harare, dịch tả cũng đang lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng đến nhiều khu vực hành chính tại 45/62 huyện và trên toàn bộ 10 tỉnh của cả nước. Đợt bùng phát dịch lần này cũng được dự báo có thể vượt qua biên giới. Các nước láng giềng bao gồm Malawi, Nam Phi và Mozambique cũng thường xuyên trải qua các đợt bùng phát dịch tả trong quá khứ.

Trước đó, đợt bùng phát dịch tả năm 2008 tại Harare cũng đã khiến ít nhất 100.000 người mắc bệnh, trong đó hơn 4.000 người tử vong, dẫn đến tê liệt các dịch vụ cơ bản trong nước.

Xem thêm >> Ấn Độ: ‘Chúng tôi nên được cảm ơn vì mua dầu của Nga’

Tin mới lên