Tiêu điểm

PGS.TS Vũ Văn Hiền: 'Chưa thể chủ quan, tự mãn với những thành tích đã đạt được'

(VNF) - Trước ngưỡng cửa đón Xuân năm mới Tân Sửu 2021 và cũng là thời điểm giao thoa giữa hai thập niên, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương về những thành tựu mà nước ta đã đạt được trong năm vừa qua, cũng như trong giai đoạn 2011 - 2020.

PGS.TS Vũ Văn Hiền: 'Chưa thể chủ quan, tự mãn với những thành tích đã đạt được'

PGS.TS Vũ Văn Hiền

Nhìn lại thập niên "sắp cũ", Phó giáo sư đánh giá thế nào về những thành công nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trên trường quốc tế, thưa ông?

PGS.TS Vũ Văn Hiền: Thời gian qua, nước ta đã có một số điểm mốc rất là quan trọng. Thứ nhất, đó là 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Cũng trong thập niên này, Việt Nam chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới đến nay là 35 năm (1986 - 2021). Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta vừa hoàn thành một giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, là sáng tạo có tính tất yếu, toàn diện để gạt bỏ, tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng năng lực sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển để vươn mình trở thành một đất nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với một nền kinh tế thị trường vô cùng năng động.

Đây là thành tựu mà cả thế giới đều ghi nhận. Không chỉ dừng lại ở đó, trên tất cả các phương diện, đất nước ta cũng có những bước phát triển vượt bậc. Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kì vừa qua, Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Ngay cả "năm Covid", bất chấp sự bùng phát của đại dịch toàn cầu, nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng GDP là 2,91% - đứng trong Top đầu thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế đã làm cho đời sống nhân dân và vấn đề bình ổn xã hội được tốt lên trông thấy.

Chưa bao giờ nhịp độ phát triển và đổi thay từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng lại nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay. Chưa bao giờ như bây giờ, Việt Nam có các đường cao tốc, có các sân bay, có các bến cảng... hiện đại, phát triển và đáp ứng được nhu cầu liên kết vùng, xuất khẩu hàng hóa, giao thương của nền kinh tế. Đó cũng là yếu tố giúp nước ta có được những bước chuyển mạnh mẽ, đạt được các thành tựu nổi bật như đứng lớp đầu thế giới về tốc độ đầu tư nước ngoài, về số lượng vốn FDI "rót" vào đất nước.

Bên cạnh đó, những năm qua Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng, bền vững được kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước, tạo nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nhìn chung, với toàn bộ sung lực này, sức vóc của nền kinh tế ở trong nước đã được tăng lên đáng kể.

Còn ở góc độ ngoài nước, Việt Nam cũng ghi nhận sự hội nhập quốc tế rất là sâu, rất là rộng, mang tầm cỡ thế giới. Nước ta đã trở thành một trong những quốc gia tham gia hiệp định thương mại tự do nhiều nhất thế giới, sau khi ký được 16 hiệp định. Trong đó nổi bật là các hiệp như CPTPP, RCEP, EVFTA, UKFTA... điều này có nghĩa, tất cả các hiệp định ở khu vực tâm điểm, lớn nhất của thế giới nước ta đều đã thực hiện được.

Một điểm nữa trong tổng thế đất nước, đó là quốc phòng, an ninh, đối ngoại... cũng đều có những bước phát triển, củng cố và tăng cường. Việt Nam đã gìn giữ, bảo toàn được độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, "điên đảo" với những bất ổn về địa chính trị, về thương mại... Tóm lại, chưa bao giờ thế và lực của đất nước có được như bây giờ, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay".

- Những thành tựu nổi bật của Việt Nam thật khó có thể phủ nhận, nhưng vẫn còn đó những bất cập, tồn đọng, thưa ông?

Mặc dù có những bước phát triển "thần kỳ" như vậy, thế nhưng theo tôi chúng ta vẫn không quên rằng chúng ta đang đối mặt với những khó khăn, thách thức của thời cuộc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang thiếu yên ổn và không hề yên ả, các xu hướng về cạnh tranh quyền lượng, chiến tranh kinh tế, chiến tranh thương mại đang ngày càng rõ nét và đều tác động đến nước ta, vừa tạo cho chúng ta thách thức, nhưng cũng đem đến những cơ hội mới.

Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch đã làm toàn bộ nền kinh tế toàn cầu lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, đứt gãy hầu hết các khâu, các chuỗi cung ứng, các quy trình sản xuất... Tiếp đó là ngưng đọng xuất khẩu, nhập khẩu, giao thông, du lịch, thể thao.

Đối với ngành hàng không, phải nói năm vừa qua là một năm "đại hạn", khi tất cả các hãng hàng không thế giới đều bị ngưng trệ, có những hãng còn buộc phá sản, hoặc chỉ duy trì hoạt động ở quy mô nhỏ nhất, gần như đóng băng.

Thế thì tất cả các vấn đề này đặt ra cho chúng ta một thách thức không hề dễ dàng, đó là phải có cách đi mới, có cách thức phát triển mới, đột phá hơn.

Một điểm nữa, đó là tuy tốc độ phát triển của nước ta rất cao, nhưng quy mô của nền kinh tế so với các nước còn khá nhỏ, còn khiêm tốn. Mặt khác, dù đã hội nhập sâu, rộng tuy nhiên Việt Nam lại là lớp hội nhập sau, chậm hơn thế giới.

Rồi thu nhập bình quân của đất nước ta còn thấp, quãng cách với các nước lớn còn rất xa. Chính vì vậy, nếu Việt Nam muốn ngang tầm với thế giới, thì buộc phải đi tắt, đón đầu, tăng tốc hơn nữa... để đạt được 3 yếu tố này, nước ta phải có các giải pháp căn cơ, vượt trội thì mới có thể bắt kịp tốc độ chung của thế giới.

Từ đấy cũng động đến vấn đề về thể chế, cơ chế, vừa phải phát triển bên trong, vừa phải thông thoáng bên ngoài.

Trong hệ thống chính trị cũng thế, ở góc khuất của những mặt tốt đẹp, còn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, về lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu...

Đây là vấn đề tác động tiêu cực, cản trở sự phát triển chung của đất nước. Cho nên nhất định chúng ta phải có giải pháp để xử lí triệt để vấn đề đặt ra như vậy.

Ngoài ra, một số vấn đề đang được đặt ra là mối đe dọa truyền thống, an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống... Vấn đề về biến đổi khí hậu, nhiễm mặn đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt, bão tố...

- Vậy chúng ta cần làm gì để hướng tới giai đoạn phát triển mới một cách vững chắc, thưa ông?

Chúng ta không thể chủ quan, không thể tự mãn với những kết quả mà chúng ta đã đạt được mà phải nỗ lực hơn nữa, thay đổi quyết liệt hơn nữa trong những năm kế tiếp.

Tôi tin rằng những vấn đề tồn đọng này sẽ được giải quyết trong những năm kế tiếp. Là một thành viên trong tổ biên tập văn kiện Đại hội XIII, tôi thấy rằng chúng ta đã có tầm nhìn xa hơn, chuẩn bị kĩ càng hơn cho 10 năm, 20 năm, thậm chí đến giữa thế kỷ.

Nước ta đã chuẩn bị kế hoạch cho tất cả các mốc lịch sử quan trọng, không chỉ trong 5 năm tới, mà đến năm kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) sẽ thế nào, hoặc 25 năm tới là 100 năm thành lập đất nước sẽ thế nào...?

Sự chuẩn bị bài bản này về những bước phát triển, chiến lược, tầm nhìn gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước.

Đặc biệt, các bước phát triển hiện nay sẽ phải mang tính bền vững và bao trùm. Không bất chấp, không hy sinh, không làm tất cả đề đạt được sự phát triển, mà phải có mang tính bình ổn nhằm nâng cao toàn bộ cơ thể kinh tế tốt đẹp lên, đời sống xã hội ổn định hơn, trong đó là yếu tố bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Mỗi bước tăng trưởng kinh tế là một bước nâng tầm đời sống nhân dân và đảm bảo ổn định xã hội, tránh để khoảng cách quá xa giữa người giàu và người nghèo.

Tin mới lên