Diễn đàn VNF

CIEM: ‘Nếu giữ tư duy chấp nhận nhập siêu từ RCEP, Việt Nam có thể đối diện rủi ro lớn’

(VNF) – CIEM cho rằng nếu vẫn giữ tư duy chấp nhận nhập siêu, tức dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất xuất khẩu sang các thị trường khác và “kiếm đủ” thặng dư thương mại, Việt Nam có thể đối diện với một loạt rủi ro lớn.

CIEM: ‘Nếu giữ tư duy chấp nhận nhập siêu từ RCEP, Việt Nam có thể đối diện rủi ro lớn’

CIEM: ‘Nếu giữ tư duy chấp nhận nhập siêu từ RCEP, Việt Nam có thể đối diện rủi ro lớn’

Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) hôm 20/1 đã công bố một báo cáo công phu (hơn 100 trang) về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với chủ đề: “Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.

Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP

Theo CIEM, RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam. Khi ấy, nếu vẫn giữ tư duy nhập siêu là chấp nhận được – bởi Việt Nam có thể dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP và kiếm “đủ” thặng dư thương mại từ các thị trường này - thì Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro lớn.

Rủi ro thứ nhất là tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị trong thời kỳ hậu COVID-19 vẫn còn hiện hữu, thậm chí có thể phức tạp hơn trong thời gian tới. Những gián đoạn ấy có thể dẫn tới việc kết nối với thị trường xuất khẩu không còn ổn định và/hoặc liền mạch như những giai đoạn trước. Đó là chưa kể những tác động phức tạp có thể xảy ra khi chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu dịch chuyển hậu COVID-19.

Một lưu ý là những ngành hàng được cho là có thể gia tăng xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP (như dệt may, chế biến thực phẩm...) – mà các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều có sự quan tâm - cũng là những ngành chịu tác động lớn nhất bởi gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Mặt khác, không ít thị trường xuất khẩu chính (chẳng hạn như Mỹ, EU) có thể lo ngại về xuất xứ hàng nhập khẩu và/hoặc quy mô thâm hụt thương mại với Việt Nam. CIEM nhắc lại rằng vấn đề hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã được chính phía Mỹ nêu trực diện hơn trong giai đoạn 2018-2020 và không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ hơn trong giai đoạn hậu 2020.

Bản thân Việt Nam và các nước RCEP (đặc biệt là Trung Quốc) cũng gặp không ít các vụ kiện phòng vệ thương mại, chẳng hạn như chống bán phá giá, chống trợ cấp... Những vấn đề này sẽ phức tạp hơn nếu được “núp” sau các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, bởi khi ấy việc xử lý sẽ phải cân nhắc thêm những cam kết về bảo hộ đầu tư (nếu có).

Trong những trường hợp nêu trên, tác động kèm theo sẽ là việc gia tăng bất định đối với cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam, đặc biệt là khi biến động từ các thị trường ngoài RCEP có thể ảnh hưởng tới khả năng Việt Nam kiếm thặng dư để bù đắp thâm hụt thương mại với các thị trường trong RCEP.

Khi ấy, mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng kể, ít nhất trên các phương diện như: dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; và dễ chịu tác động bất lợi từ thay đổi chính sách xuất nhập khẩu đột ngột – không trái cam kết RCEP – của một thị trường đủ lớn trong RCEP

CIEM cũng phản biện quan điểm ủng hộ nhập siêu từ RCEP của một số nhóm rằng khoản nhập siêu này có thể giúp cải thiện năng lực sản xuất của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nói riêng. Bởi khoản nhập siêu chỉ có lợi khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các dây chuyền công nghệ đủ hiện đại, để bảo đảm có đóng góp bền vững vào cải thiện năng lực sản xuất.

Và ngay cả khi chấp nhận luận điểm này, việc bảo đảm đóng góp trên phương diện trên của các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP sẽ còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Các con số thống kê cho thấy tỷ trọng hàng nhập khẩu có hàm lượng công nghệ cao tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2019 đến từ thị trường Hàn Quốc (hơn 40 điểm phần trăm), trong khi tỷ trọng nhập khẩu hàng công nghệ cao từ Trung Quốc chỉ tăng khoảng 10 điểm phần trăm.

Các con số cũng cho thấy kết quả tạo dựng năng lực cạnh tranh mới của Việt Nam trong thương mại với RCEP hầu như không đáng kể trong giai đoạn 2010-2019. Theo đó, tác động tăng năng lực sản xuất cũng chỉ diễn ra nhanh từ một số thị trường nhất định, chứ không phải toàn bộ khu vực RCEP.

Tác động gia tăng nhập siêu từ các thị trường RCEP “tương đối” dễ xử lý hơn nếu các mặt hàng kém chất lượng, không phù hợp với thị hiếu, môi trường, xã hội của Việt Nam có đóng góp chính vào gia tăng nhập siêu. Tuy nhiên, nếu gia tăng xuất khẩu của RCEP vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các nhóm mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật có tính “thông lệ tốt nhất” (và theo đó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam), việc xử lý tác động của nhập siêu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

“Cần lưu ý, khả năng này không thể được loại trừ trong bối cảnh Mỹ cọ xát thương mại với không ít nền kinh tế trong khu vực RCEP và các nền kinh tế này cần chuyển hướng hàng xuất khẩu – kể cả hàng chất lượng cao - của họ sang các thị trường khác (trong đó có Việt Nam)”, CIEM nêu quan điểm.

Đón vốn dễ, sàng lọc vốn khó

Một rủi ro khác trong vấn đề đầu tư của RCEP là việc sàng lọc chất lượng dự án FDI. Theo CIEM, thời gian qua, không ít dự án từ một số nước ở khu vực RCEP đã gây ra lo ngại về chất lượng đầu tư, chẳng hạn như về phương diện môi trường, xã hội.

Cùng với đà phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng có những bước đi trong việc cải thiện các quy định, tiêu chuẩn về môi trường. Điều này dẫn đến việc các nhà máy công nghệ thấp, ít thân thiện với môi trường hơn có xu hướng dịch chuyển dần sang các nước xung quanh, và không loại trừ những cân nhắc chuyển sang Việt Nam.

Rủi ro này càng lớn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khi mà những dự án, nhà máy ấy thiên về cạnh tranh về giá và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biện pháp thuế quan bổ sung của phía Mỹ.

Những lo ngại này là không mới, nhưng xử lý lại không dễ. Một mặt, các cam kết quốc tế đã hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư. Mặt khác, nếu chỉ phân biệt, từ chối nhà đầu tư nước ngoài chỉ vì lo ngại quốc tịch của nhà đầu tư thì có thể dẫn tới mất các cơ hội đầu tư – kinh doanh thực sự có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, việc “ưa thích” một nhà đầu tư chỉ vì họ xuất phát từ một nước phát triển cũng có thể không giúp ích cho Việt Nam, nếu nhà đầu tư ấy không đáp ứng/tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam về môi trường, xã hội, trách nhiệm ngân sách…

“Cần lưu ý, việc xác định quốc gia xuất xứ thực sự của dự án đầu tư nước ngoài là một vấn đề không đơn giản”, CIEM chỉ rõ.

Theo CIEM, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là một bước đi quan trọng. Nghị quyết đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Tuy nhiên, không ít thảo luận đã cho thấy việc thực thi nhiệm vụ này thực sự khó khăn về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, xây dựng cơ sở khoa học của ngưỡng để xác định “vốn mỏng” không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Tương tự, ứng phó với tình trạng “vốn mỏng” có ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hay không cũng là một nội dung cần làm rõ, dù không dễ.

Những thách thức trên xuất phát một phần từ chính khó khăn về thông tin, số liệu, năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, đánh giá về diễn biến đầu tư nước ngoài chi tiết theo ngành nghề, lĩnh vực và theo đối tác đầu tư hiện mới chỉ dựa được vào số liệu công bố về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Trong khi đó, đánh giá quy mô vốn thực hiện và quy mô vốn mà nhà đầu tư nước ngoài thực sự mang vào Việt Nam chi tiết theo ngành nghề, lĩnh vực và theo đối tác đầu tư hầu như không thể thực hiện được.

“Chính ở đây, một thách thức đối với việc bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam chính là việc không thể xử lý hiệu quả và/hoặc kịp thời các vấn đề bất cập đối với dự án đầu tư nước ngoài từ RCEP – ngay cả khi đã nhận diện được các bất cập nói chung với các dự án FDI trong nhiều năm qua”, CIEM bình luận.

Tin mới lên