Tài chính quốc tế

Phản kháng lệnh trừng phạt của EU, loạt tỷ phú Nga nhận ‘kết đắng’

(VNF) - Các doanh nhân hàng đầu nước Nga đã nhận về thất vọng khi nỗ lực phản kháng bằng con đường pháp lý nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại bước đầu.

Phản kháng lệnh trừng phạt của EU, loạt tỷ phú Nga nhận ‘kết đắng’

Tỷ phú Gennady Timchenko.

Tòa sơ thẩm châu Âu (General Court), toà án cấp cao thứ nhì của EU - thuộc Tòa án Công lý châu Âu (CJEU), ngày 6/9 đã bác bỏ đơn kháng cáo của loạt tỷ phú Nga nhằm lật ngược các biện pháp trừng phạt của EU liên quan tới chiến sự Ukraine.

Cụ thể, những người này bao gồm vợ chồng tỷ phú năng lượng Gennady Timchenko, vợ chồng tỷ phú thép Dmitry Pumpyansky và tỷ phú Arkady Volozh - nhà đồng sáng lập gã khổng lồ công nghệ Yandex.

Tất cả các tỷ phú này đều phủ nhận rằng hoạt động kinh doanh do họ đứng đầu liên quan đến chính phủ Nga và muốn toà án dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản mà các nước EU áp đặt với họ.

Ông Gennady Timchenko, người được cho là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã từ chức quyền quản lý công ty sản xuất khí đốt tự nhiên tư nhân lớn nhất Nga Novatek vào tháng 3 năm ngoái sau khi bị 27 quốc gia EU trừng phạt.

Tỷ phú Dmitry Pumpyansky là chủ tịch công ty sản xuất ống thép OAO TMK, nhà cung cấp cho “ông lớn” năng lượng Nga Gazprom. Tỷ phú này bị Anh và EU trừng phạt với cáo buộc có doanh nghiệp hỗ trợ và hưởng lợi từ việc hợp tác với nhà nước Nga.

Tỷ phú Arkady Volozh cũng phải từ bỏ vai trò giám đốc điều hành của Yandex, được mô tả là "công ty internet lớn nhất ở Nga, vào năm ngoái sau khi tên của ông xuất hiện trong danh sách đen trừng phạt của EU.

Tuy nhiên, theo Reuters, các tỷ phú Nga vẫn chưa hết cơ hội, họ có thể tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên cấp cao nhất của CJEU.

Không chỉ bác bỏ đơn kháng cáo của các tài phiệt Nga, Tòa sơ thẩm châu Âu cũng đã bác bỏ đơn kiện của đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today chống lại lệnh cấm phát sóng ở EU.

Làn sóng bất mãn của các tỷ phú Nga

EU đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sư đặc biệt tại Ukraie hồi tháng 2 năm ngoái. Chúng bao gồm các hạn chế thương mại nhằm cắt giảm hàng xuất khẩu quốc phòng và các mặt hàng khác sang Nga, cũng như các hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng của Nga, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Các biện pháp trừng phạt cá nhân bao gồm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tất cả tài sản nắm giữ ở EU. Danh sách này bao gồm gần 1.800 cá nhân và tổ chức với tổng tài sản trị giá ước tính 21,5 tỷ euro (23 tỷ USD) bị ảnh hưởng.

Mục tiêu của loạt lệnh trừng phạt là "làm suy giảm ủng hộ dành cho ông Putin”. Phương Tây kỳ vọng những tài phiệt Nga bị trừng phạt sẽ gây sức ép để Tổng thống Nga kết thúc xung đột.

Tờ Wall Street Journal hồi tháng 7 cho biết khoảng 40 tỷ phú Nga đã nộp đơn kiện lên Toà sơ thẩm châu Âu, phủ nhận cáo buộc của các nước phương Tây về mối quan hệ của họ và điện Kremlin.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vụ kiện của giới tài phiệt Nga lên Toà sơ thẩm châu Âu phần lớn mang ý nghĩa biểu tượng, bởi rào cản với việc được gỡ bỏ trừng phạt tại EU rất cao.

Xem thêm >> Nghi Triều Tiên bán vũ khí cho Nga, Mỹ cảnh báo nóng

Tin mới lên