Phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái: Sẽ lặp lại vết xe đổ của điện mặt trời tập trung?

Vĩnh Chi - 28/10/2020 16:05 (GMT+7)

(VNF) – Theo TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái có thể đưa đến tình trạng quá tải lưới điện sinh hoạt, điều còn nguy hại hơn trường hợp khủng hoảng ở lưới điện quốc gia 2019 do sự phát triển quá nóng của điện mặt trời tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

VNF
Phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái: Sẽ lặp lại vết xe đổ của điện mặt trời tập trung?

Bài học điện mặt trời tập trung 2019

Sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, điện mặt trời ở nước ta đã phát triển rất nhanh chóng. Từ khoảng vài chục MW vào năm 2017, tổng công suất điện mặt trời đã đạt tới 4.442MW vào 7/2019. Nghĩa là trong vòng hơn một năm, điện mặt trời đã tăng trưởng khoảng 100 lần.

Sự kiện này đã đưa nước ta từ chỗ không có tên trên bản đồ năng lượng tái tạo trở thành một nước có hệ thống điện mặt trời lớn thứ hai ở ASEAN, chỉ đứng sau Indonesia (6.700MW).

Sự phát triển “nóng” của điện mặt trời đã kéo theo nhiều hệ lụy mà trước hết là gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện lực quốc gia. Kết quả là nhiều nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành, song chỉ được phát một phần vào lưới điện quốc gia.

Ngoài ra, các dự án điện khác - vốn không liên quan đến Quyết định 11, cũng phải chịu cảnh "cháy thành lây vạ". Ví dụ nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận phải cắt giảm công suất phát điện vào lưới.

Theo TS Lê Hải Hưng, sự cố trên có thể được coi là một cuộc khủng hoảng, một bài học đáng nhớ trong quy hoạch, đầu tư, phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ở nước ta.

Mặc dù thiệt hại của sự cố trên là rất lớn nhưng TS Hưng cho rằng chúng ta không thể và cũng không nên bỏ ra nhiều tiền hơn để xây lắp hệ thống điện mặt trời tập trung có công suất lớn hơn hệ thống truyền tải, dẫn đến sự lãng phí do không thể tiếp nhận hết được công suất phát.

Mặt khác, chúng ta cũng không thể bỏ ra nhiều tiền hơn để xây dựng hệ thống lưới điện lớn hơn nhiều lần để chỉ nhằm tiếp nhận công suất lớn đột biến của điện mặt trời.

Điện mặt trời áp mái mới là tương lai của điện mặt trời Việt Nam

Hệ quả của sự cố năm 2019 là các bên đã nhận ra: bài học điện mặt trời 2019 chính là “bài học về quy hoạch điện mặt trời tập trung”.

Từ một nhược điểm lệch pha về thời gian, tức là “chỉ phát vào giờ nắng”, vô hình chung chúng ta đã tạo thêm cho điện mặt trời một nhược điểm nữa là lệch pha về không gian, khi hàng chục nhà máy điện mặt trời công suất lớn cùng được xây dựng tại một khu vực Nam Trung Bộ, ví dụ Ninh Thuận, vốn có hệ thống lưới điện được coi là yếu.

Và cuối cùng, ai cũng nhận ra rằng, điện mặt trời áp mái là giải pháp cho điện mặt trời Việt Nam vì những ưu điểm như: không tốn quỹ đất; huy động được nguồn vốn của xã hội; không phải trả lương cho hệ thống nhân sự vận hành nhà máy; tự cung tự cấp điện tại chỗ...

Những lợi thế này khiến nhiều người không ngần ngại cho rằng điện mặt trời áp mái là một cuộc “Khoán 10” trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ cũng đánh giá cao vai trò của điện mặt trời áp mái nên sau gần một năm tính toán, ngày 6/4/2020, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời áp mái đã ra đời. Trong đó, giá bán điện mặt trời áp mái được quy định là 1.943 đ/kWh, cao hơn giá bán điện mặt trời tập trung.

Quyết định này được đánh giá là kịp thời và đã tạo động lực cho điện mặt trời áp mái phát triển, song đáng tiếc chỉ có hiệu lực đến 31/12/2020. Thời hạn ngắn ngủi trên cũng đã tạo ra cuộc chạy đua của nhà đầu tư để về đích trước 31/12/2020 để hưởng giá ưu đãi. Và TS Hưng cho rằng đây có thể là nguồn cơn cho một cuộc khủng hoảng mới.

“Bẫy” điện mặt trời áp mái

Theo TS Hưng, nếu giả sử nhà nhà đua nhau làm điện mặt trời áp mái, lưới điện sinh hoạt, vốn đã ít được chăm chút, lại sẽ rơi vào tình trạng quá tải, nghĩa là sẽ xuất hiện cuộc “khủng hoảng” điện mặt trời lần thứ hai.

Sự cố quá tải lưới điện sinh hoạt có thể khó kiểm soát và tiềm tàng nhiều nguy cơ hơn trường hợp khủng hoảng ở lưới điện quốc gia 2019.

Khó khăn ở chỗ, lúc đó ai sẽ chỉ huy, điều phối hàng triệu nhà máy điện mặt trời mini này?

Khung cảnh cuộc khủng hoảng mới này có thể hình dung là từng hộ gia đình sẽ phải “xếp hàng chờ đợi” được bán điện cho EVN trong khi đã bỏ hàng trăm triệu để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái.

Khi đó, nhiều khổ chủ vì “tiếc của giời” mà mua bình ắc quy để trữ điện. Và nếu như vậy, môi trường sẽ có thể bị đầu độc do rác thải ắc quy của hàng triệu gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Hải Hưng cho rằng cần phát triển công nghệ lưu trữ điện. Trước đây, người ta sử dụng các biện pháp lưu trữ như “thủy điện tích năng”, “công nghệ muối nóng”, tuy nhiên các giải pháp này rất tốn kém mà hiệu quả thấp.

Khoảng 10 năm nay, pin Lithium, tốt hơn, ít hủy hoại mội trường hơn đã thay thế dần các loại ắc quy axit để lưu trữ điện mặt trời. Người ta cũng đã xây dựng được nhiều nhà máy lưu trữ điện có dung tích hàng trăm MWh bằng pin Lithium tại Úc và Hoa kỳ.

Tuy vậy, TS Hưng cho rằng pin oxy hóa khử mới là tương lai của công nghệ lưu trữ năng lượng điện dung lượng lớn. Loại pin này có các ưu thế như: độ bền cao từ 20 đến 30 năm ứng với khoảng 20.000 chu kỳ phóng nạp (so với khoảng vài nghìn lần của pin Lithium hoặc vài trăm lần của pin axit); khả năng phóng điện sâu đến 100%, trong khi pin Lithium chỉ đạt 75%;

Ngoài ra, pin oxy hóa khử có thể chế tạo với dung tích rất lớn hàng vài m3, thậm chí đã có những dự án xây dựng hệ pin chảy mà bể dung dịch điện phân lớn bằng một sân bóng đá... Và điều quan trọng là giá thành của pin chảy đã có thể cạnh tranh với pin Lithium.

TS Hưng đánh giá pin oxy hóa khử phù hợp với cách thức sản xuất của nhiều nhà máy điện Việt Nam. Cụ thể, có nhiều nhà máy điện phải bán điện với giá thành rất thấp (đôi khi chỉ là 600 đ/kWh vào giờ thấp điểm), trong trường hợp này, người ta dùng hệ thống pin để lưu trữ điện vào những giờ thấp điểm và phát lại vào khung giờ cao điểm.

Trong trường hợp sử dụng ở các vị trí không thể cung cấp điện lưới hoặc ở các hải đảo, dàn khoan thăm dò, khai thác thì pin oxy hóa khử càng phát huy hiệu quả...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.