Diễn đàn VNF

Phát triển TTCK: 'Cần đặt nặng công tác hậu kiểm, điều tiết hơn là thắt chặt đầu vào'

(VNF) - Mâu thuẫn giữa siết tín dụng và bài toán cung ứng vốn cho nền kinh tế, hệ lụy của làn sóng trái phiếu doanh nghiệp và tính dễ tổn thương của thị trường chứng khoán là 3 vấn đề nổi bật của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.

Phát triển TTCK: 'Cần đặt nặng công tác hậu kiểm, điều tiết hơn là thắt chặt đầu vào'

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Thị trường tài chính Việt Nam đang chứng kiến giai đoạn đầy ắp các sự kiện, ghi nhận nhiều biến động và đặc biệt khó dự đoán ngay cả trong ngắn hạn. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. HCM, đã có những chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance về giai đoạn đặc biệt này:

- Quan sát thị trường tài chính bây giờ, ông có thể mô tả như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Có thể nói thị trường tài chính Việt Nam đang ở trong một giai đoạn đầy thách thức sau những vụ điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu, thao túng giá cổ phiếu…

Những sự vụ làm rúng động dư luận ấy đã tạo ra một bối cảnh đặc biệt, chưa từng có trong nhiều năm qua. Cộng đồng doanh nghiệp đang phải tập làm quen, thích nghi với bối cảnh này. Nhưng đây cũng là cơ hội để thị trường phát triển, trở nên tốt và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vấn đề là bao giờ thì tốt lên, tốt lên như thế nào, mất bao nhiêu chi phí cho những kỳ vọng đó… thì không ai đưa ra câu trả lời được. Tâm trạng của chúng ta đang như hồi đầu Covid-19, hi vọng rằng đó chỉ là một cú sốc ngắn hạn và Chính phủ sẽ nhanh chóng cân bằng, ổn định lại mọi thứ, để quá trình phục hồi thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hanh thông, thuận lợi.

- Ông đã kỳ vọng vào sự ổn định để đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn. Tuy nhiên, dường như có sự mâu thuẫn giữa việc siết tín dụng để kiểm soát lạm phát và nhu cầu cung ứng vốn để sản xuất kinh doanh?

Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng, không cấp, không nới room tín dụng. Mục tiêu được hiểu là để kiểm soát lạm phát. Song, siết tín dụng có thực sự chống được lạm phát không? Chúng ta biết rằng lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy (giá cả nguyên vật liệu gia tăng, chi phí logistics gia tăng, chuỗi cung ứng đứt đoạn…). Chính sách tiền tệ khó có thể phát huy tác dụng với tình trạng này.

Chúng tôi rất chia sẻ với áp lực chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng chống lạm phát chỉ là một phần của nhiệm vụ. Phần còn lại cũng quan trọng là đảm bảo phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, vấn đề nên là “nắn” dòng chảy tín dụng chứ không phải là “siết” hay “cắt” tín dụng. “Siết” rất dễ, vì đó là biện pháp hành chính, “nắn” mới là khó, vì đó là tiếp cận thị trường.

Ngân hàng thương mại bị hạn chế vốn, việc phân phối sẽ dễ trở nên méo mó, bởi nhiều khả năng họ sẽ ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp “ruột rà”, “sân sau”, các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao, thay vì các doanh nghiệp đang khát vốn thực sự và có nhu cầu phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam sau đại dịch đã trở nên ốm yếu. Bây giờ, cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp ngoại có thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế, còn doanh nghiệp nội chỉ có thể tiếp cận vốn ngân hàng, nếu bị siết, họ lấy gì để sống?

Siết tín dụng với bất động sản để chống đầu cơ, chống bong bóng giá bất động sản là điều tốt, nhưng đừng để “một ngành sai, cả nền kinh tế chịu vạ lây”. Chỉ xin đơn cử những người có nhu cầu mua nhà ở thực, họ sẽ vay ở đâu để tạo lập chốn an cư, nhất là khi giá nhà tăng phi mã?

- Kênh tín dụng không còn tốt, doanh nghiệp sẽ tìm vốn qua kênh trái phiếu. Nhưng kênh này hiện cũng không còn tốt như trước. Ông có suy nghĩ gì về những diễn biến trên thị trường trái phiếu thời gian qua?

Một thời gian dài, nhu cầu vốn của doanh nghiệp bị cột chặt vào hệ thống ngân hàng, từ vốn ngắn hạn cho đến vốn dài hạn, từ nhu cầu tiêu dùng cho đến nhu cầu đầu tư, từ cá nhân đến tổ chức. Hệ thống ngân hàng lấn át hết các định chế tài chính khác, khiến thị trường tài chính không thể phát triển vì cấu trúc không cân đối.

Trái phiếu doanh nghiệp ra đời như một giải pháp để đa dạng hoá sản phẩm - dịch vụ tài chính, bổ sung thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng và hiệu quả của các kênh tín dụng. Thế nhưng, trái phiếu từ “trái ngọt” đã trở thành “trái đắng” khi hành lang pháp lý cho công cụ này đã không theo kịp sự phát triển của thị trường.

Mặc dù Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát đi các thông điệp cảnh báo, cũng như có cách động thái chấn chỉnh hoạt động phát hành, phân phối và đáo hạn trái phiếu nhưng tất cả điều đó là không đủ để tạo ra một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và hiệu quả. Hiện tượng lách luật trong chào bán, phát hành, phân phối trái phiếu, sử dụng dòng tiền sai mục đích, nói trắng ra là đổ vào bất động sản, đã xảy ra và gây nên những sự việc chấn động.

Rủi ro sẽ rất cao khi sắp tới các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu muốn bán lại trái phiếu, đáo hạn trái phiếu. Điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng, công ty chứng khoán đang không có tiền và không có nhà đầu tư mới sẵn sàng mua trái phiếu? Đó là giá trái phiếu sẽ giảm mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh.

- Trái phiếu doanh nghiệp không hề xấu nhưng chính các tổ chức, cá nhân liên quan làm cho nó xấu. Vậy vai trò của các cơ quan quản lý, điều tiết thị trường nằm ở đâu khi để những vấn đề đó xảy ra trong một thời gian dài với quy mô ngày càng lớn?

Trước đây có quan điểm cho rằng để tạo điều kiện cho một lĩnh vực hay thị trường hình thành và phát triển thì cần phải chấp nhận ở một mức độ nào đó các lệch lạc, va vấp ban đầu để thị trường dần trở nên lớn mạnh. Nếu siết mạnh tay sẽ bóp nghẹt sự phát triển của thị trường.

Chúng ta hiện giờ vẫn không thoát khỏi một hạn chế rất cũ: luật chạy theo thị trường. Vi phạm xảy ra, bị phát hiện rồi xử lý, chế tài. Chúng ta chưa ban hành được các cơ chế hoặc hành lang pháp lý để người ta không thể vi phạm. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng phải tăng cường kiểm soát, nhưng không phải tiền kiểm mà là hậu kiểm. Và đặc biệt phải đặt nặng trách nhiệm của các cơ quan “gác cổng” lĩnh vực này.

- Một kênh khác là thị trường cổ phiếu, thời gian qua cũng có rất nhiều bất ổn. Ông có bình luận gì về thị trường cổ phiếu hiện nay?

Thị trường chứng khoán đã hơn hai mươi tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành. Thị trường chứng khoán, về lý thuyết, được ví như một con quái vật khổng lồ không ai có thể chiến thắng. Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam yếu ớt đến mức chỉ vài nhóm thợ săn đã có thể tóm gọn thị trường.

Cơ quan chức năng bắt một vài nhóm này, trong tương lai sẽ có nhiều nhóm khác. Vấn đề là làm sao để thị trường lớn mạnh, để không có ai dám vào rừng săn trộm mà tất cả phải hợp pháp. Quyền lực thị trường phải được làm cho đáng sợ cũng như quyền lực của nhà nước. Nhà nước không nên và cũng không thể mãi làm thay thị trường. Đó là giải pháp để làm cho thị trường lớn mạnh.

Có thể nói vấn đề của luật pháp, hành lang pháp lý lẫn công tác kiểm tra, giám sát và chế tài vi phạm trên thị trường tài chính một thời gian dài rõ ràng đã bị xem nhẹ. Tại sao thời gian qua nhiều “con voi” lại chui lọt lỗ kim một cách dễ dàng đến thế? Việc bán chui số lượng lớn cổ phiếu đã nhiều lần rót lọt, bị phát hiện cũng chỉ xử phạt nhẹ đến mức khiến cho luật pháp bị khinh nhờn.

Hoặc trường hợp nhiều công ty lên sàn nhưng vốn hóa thấp, dễ dàng bị thâu tóm, sau đó bị biến thành công cụ bơm thổi giá cổ phiếu. Hoặc số liệu kế toán bị thao túng, “bùa phép” miễn làm theo đúng chuẩn mực kế toán thì kiểm toán có thể đồng ý cho qua, cơ quan chức năng có thể duyệt cho phát hành thêm cổ phiếu để “bán giấy lấy tiền”.

Chúng tôi cho rằng để khắc phục các hạn chế, phải thúc đẩy tốc độ tăng trưởng quy mô của thị trường chứng khoán, cả về số lượng công ty niêm yết, các sản phẩm, công cụ tài chính giao dịch, phương thức giao dịch và hoàn thiện về hành lang pháp lý lẫn cơ chế giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm. Vai trò của các cơ quan quản lý thị trường, điều tiết thị trường cần được làm rõ, đặt nặng trách nhiệm hơn.

Luật cũng nên sửa đổi theo hướng nới lỏng các điều kiện niêm yết, những quy định như công ty không được lỗ luỹ kế hoặc tỷ suất sinh lợi phải đạt một ngưỡng nào đó mới được lên sàn xem ra không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay hoặc các chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, để phát triển thị trường chứng khoán cần đặt nặng công tác hậu kiểm, điều tiết hơn là thắt chặt “đầu vào”.

Tin mới lên