Tiêu điểm

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra 5 giải pháp ứng phó và đẩy lùi dịch Covid-19

(VNF) - "Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên", theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra 5 giải pháp ứng phó và đẩy lùi dịch Covid-19

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong bài viết "Hợp tác Asean đẩy lùi Covid-19: Đoàn kết là sức mạnh!", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đưa ra 5 giải pháp để ASEAN và các đối tác ứng phó và đẩy đại dịch Covid-19:

Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ hai, chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.

Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.

Thứ năm, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.

Trước mắt, vào ngày 14/4 tới đây, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về Covid-19. Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán tháng 12/2019. Tính tới sáng nay (13/4), thế giới ghi nhận hơn 1,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 114.000 người tử vong. Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng của đại dịch toàn cầu. 

Việt Nam ghi nhận tổng số 262 ca mắc Covid-19, đã có 144 trường hợp khỏi bệnh, 118 người bệnh hiện đang điều trị tại 14 cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, 106 ca ổn định, 1 ca chạy ECMO, 2 ca thở máy, 5 thở ô xy.

Tin mới lên