Xe

Phụ kiện phụ tùng ô tô do Toyota sản xuất có lắp được trên xe khác?

(VNF) - “Xét về mặt lý thuyết là có thể còn trên thực tế lại là một vấn đề đáng lo ngại”, ông Shinjiro Kajikawa - Phó giám đốc Toyota Việt Nam nói.

Phụ kiện phụ tùng ô tô do Toyota sản xuất có lắp được trên xe khác?

Phụ kiện phụ tùng ô tô do Toyota sản xuất có lắp được trên xe khác?

Tại buổi hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô sáng 30/10 tổ chức tại Hà Nội, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Các nước đi trước với công nghệ và lao động ở trình độ cao hơn, tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô nên chi phí sản xuất ô tô thấp hơn và trong điều kiện thương mại tự do hiện nay đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với các hãng sản xuất ô tô trong nước.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã sản xuất được một số linh kiện, phụ tùng cho ô tô nhưng với hàm lượng công nghệ và giá trị không cao. Mặc dù thời gian vừa qua công nghiệp hỗ trợ được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết việc đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. 

Ông Shinjiro Kajikawa - Phó giám đốc Toyota Việt Nam, cho rằng do sản lượng nhỏ và tỷ lệ nội địa hoá thấp nên các chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.

Toyota Việt Nam chỉ ra rằng: “Với sản lượng 20.000 xe/năm cho một mẫu xe, chi phi giảm được là 5 USD/linh kiện và cho cả năm là 100.000 USD. Nếu sản lượng tăng lên 40.000 xe/năm, chi phí giảm được 48 USD/linh kiện và tổng cả năm giảm được 1,9 triệu USD – nhưng con số này vẫn chưa đủ thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Tới khi sản lượng lên 60.000 xe/năm, chi phí khấu hao giảm được là 64 USD/linh kiện và thu hồi được 3,8 triệu USD/năm, có thể xem xét để đầu tư được vì thu hồi được vốn đầu tư ban đầu bỏ ra”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng cách tính toán trên của Toyota Việt Nam tại hội thảo chỉ nêu ra phần tiêu thụ và lắp ráp của Toyota, điều đó là không đầy đủ và đi ngược lại với nguyên lý hoạt của cơ chế hoạt động thị trường hiện nay.

Theo ông Quyền, hiện nay các chính sách ban hành hỗ trợ việc phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam khá đầy đủ và đang triển khai rất tích cực, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hoá chưa có sự đột biến so với kỳ vọng của Chính phủ cũng như xã hội.

“Tôi cho rằng trong điều kiện như hiện nay thì các chính sách ưu đãi từ phía nhà nước cần đi vào cụ thể hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển", ông Quyền nói.

Trong bài trình bày của Toyota Việt Nam, ông Quyền cho rằng có một số vấn đề cần phải mang ra để trao đổi. Thứ nhất, Toyota Việt Nam tính toán nếu như thị trường sản xuất linh kiện ô tô trong nước mà đạt ngưỡng 60.000/năm thì có thể thu hồi được vốn, có lãi. “Vậy số liệu nêu trên là phía Toyota đã tính sản phẩm kết nối giữa thị trường trong nước với thị trường nước ngoài (có sản xuất tiêu thụ trong nước và có xuất khẩu) hay chỉ tính việc sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam?”, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đặt câu hỏi.

"Câu hỏi thứ hai là phụ tùng lắp ráp trên xe Toyota Việt Nam có thể sử dụng cho xe của các nhà sản xuất khác hay không", ông Quyền nói.

Trả lời về hai câu hỏi trên, ông Shinjiro Kajikawa - Phó giám đốc Toyota Việt Nam, cho biết con số nêu trong bài báo cáo của Toyota như: 20.000/năm, 40.000/năm và 60.000 xe/năm chỉ là con số đầu tư ví dụ để cho dễ hiểu về cách tính chi phí từ việc đầu tư nội địa hoá sẽ thay đổi đối với các sản lượng khác nhau chứ không phải là con số thực tế.

Về việc có hướng tới để xuất khẩu hay không, đại diện Toyota Viêt Nam cho biết: “Hiện nay chi phí sản xuất xe trong nước còn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-30%, vì vậy chúng ta cần phải quan tâm đến việc phải làm sao nâng cao được khả năng giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước để làm sao cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu”.

Về câu hỏi các phụ tùng lắp ráp trên xe Toyota có thể sử dụng cho xe của các nhà sản xuất khác hay không, đại diện TMV nhận định: “chưa bao giờ xem xét về vấn đề này bởi các nhà sản xuất có các quy cách, mẫu mã điều kiện riêng của mình”.

“Xét về mặt lý thuyết là có thể còn trên thực tế lại là một vấn đề đáng lo ngại”, đại diện Toyota Việt Nam nói.

Xem thêm: Tỷ lệ nội địa hoá ô tô 9 chỗ ngồi tại Việt Nam chỉ đạt 7-10%

Tin mới lên