Tài chính

Quảng Bình nâng số tiền cưỡng chế thuế tại FLC lên hơn 448 tỷ đồng

(VNF) - So với số tiền cưỡng chế thuế tại các quyết định Cục thuế tỉnh Quảng Bình gửi FLC công bố hồi cuối tháng 7 là hơn 223 tỷ đồng, tại các quyết định vừa được công bố cuối tháng 8 vừa qua, số tiền đã tăng lên hơn 448 tỷ đồng.

Quảng Bình nâng số tiền cưỡng chế thuế tại FLC lên hơn 448 tỷ đồng

Quảng Bình nâng số tiền cưỡng chế thuế tại FLC lên hơn 448 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) cho biết vừa nhận được các quyết định của Cục thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC tại OCB, VIB và BIDV.

Lý do bị cưỡng chế thuế là vì FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 448 tỷ đồng.

Được biết, Cục thuế tỉnh Quảng Bình vào cuối tháng 7 đã gửi cho FLC 3 quyết định cưỡng chế thuế với số tiền bị cưỡng chế là hơn 223 tỷ đồng. Như vậy sau 1 tháng, số tiền này đã tăng gấp đôi.

Không chỉ tỉnh Quảng Bình, FLC trong thời gian gần đây liên tục nhận được các quyết định cưỡng chế thuế của các địa phương khác như Hà Nội, Thanh Hóa.

Cụ thể, Cục thuế TP. Hà Nội đã ban hành 9 quyết định thuế, trong đó có việc cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng do FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định và xử phạt hành chính 11,5 triệu đồng do FLC chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân.

Tập đoàn này cũng nhận được 8 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do Chi cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) ban hành. Số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 130,9 tỷ đồng.

Không chỉ liên tục bị cưỡng chế thuế, thời gian gần đây, nhiều địa phương cũng đã ban hành các quyết định dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của FLC trong quý II giảm mạnh 66% so cùng kỳ, còn hơn 576 tỷ đồng, lỗ sau thuế 640 tỷ đồng. FLC lỗ nặng trong quý II do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh với 65,6 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, FLC ghi nhận doanh thu 1.709 tỷ đồng, giảm 60% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2021. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.105 tỷ đồng.

Tin mới lên