Tiêu điểm

Quảng Nam 'thúc' tiến độ các dự án chậm giải ngân vốn

(VNF) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2022.

Quảng Nam 'thúc' tiến độ các dự án chậm giải ngân vốn

Quảng Nam 'thúc' tiến độ các dự án chậm giải ngân vốn

Theo đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết Quý I/2022 của tỉnh Quảng Nam chỉ đạt 13,7% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và đạt 10,2% so với tổng kế hoạch vốn được giao tại Quyết định 3626/QĐ-UBND ngày 10/12/2021.

Bên cạnh đó, đối với 77 dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh dự kiến khởi công mới năm 2022, đến nay, mới phê duyệt chủ trương đầu tư 57 dự án; trong đó có 25 dự án được phê duyệt dự án đầu tư. 

Theo thời hạn phê duyệt dự án để bố trí kế hoạch vốn thì dự án phải phê duyệt trước thời điểm ngày 31/3/2022 là 53 dự án. Tuy nhiên, địa phương chỉ mới phê duyệt 27 dự án đầu tư. Dự án phải phê duyệt trước thời điểm ngày 31/5/2022 là 24 dự án, thì chưa có dự án nào được phê duyệt dự án đầu tư.

Ngoài yếu tố ảnh hưởng dịch COVID-19, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là do công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực;…

Để đảm bảo phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án khởi công mới, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc; triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; trong đó lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với đó, các đơn vị này phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; gắn trách nhiệm hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn của các dự án đến từng cá nhân; coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan. 

Đối với chủ đầu tư các dự án có thời hạn phê duyệt dự án trước ngày 31/3/2022 nhưng đến nay chưa được phê duyệt, UBND tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương có báo cáo giải trình, đề nghị gia hạn thời gian và cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh thủ tục, đảm bảo thời hạn phê duyệt dự án chậm nhất đến ngày 31/5/2022. 

Sau khi đã đề nghị giải trình, các đơn vị này phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/5/2022 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và xử lý kế hoạch vốn đã dự kiến phân bổ cho các dự án khởi công mới, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. 

Đối với chủ đầu tư các dự án có thời hạn phê duyệt trước ngày 31/5/2022 phải tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án theo đúng thời hạn quy định. 

Ngoài ra, địa phương này sẽ tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý chất lượng thi công các công trình; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh toán vốn cho các nhà thầu một cách hợp lý, đảm bảo vốn ứng được sử dụng theo đúng hợp đồng cam kết, yêu cầu nhà thầu khẩn trương thực hiện hồ sơ nghiệm thu đối với khối lượng để thanh toán tạm ứng đảm bảo quy định; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Do đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ đầu tư có số dư nợ tạm ứng kéo dài quá hạn khẩn trương phối hợp với cơ quan Kho bạc Nhà nước tỉnh và các ngành liên quan hoàn chỉnh thủ tục xử lý theo quy định.

Đối với các dự án không thể triển khai thi công, vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo khả năng trong năm 2022, chủ đầu tư chủ động làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cấp thầm quyền điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn và đảm bảo khả năng giải ngân trong năm 2022, trong đó lưu ý các mốc thời hạn, mức vốn điều chuyển các dự án. Trường hợp cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đề xuất điều chuyển, cắt giảm trước mốc thời hạn quy định.

Tin mới lên