Quảng Ninh: Chỉ đạt 50% mục tiêu đề ra, các chỉ số thu hút FDI chưa đạt như kỳ vọng

Quang Thân - 22/12/2022 14:08 (GMT+7)

(VNF) - Thu hút FDI năm 2022 của Quảng Ninh chưa đạt 50% mục tiêu đề ra vì hình thức thu hút đầu tư chưa đa dạng, số dự án có hàm lượng công nghệ cao còn ít…

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang có 153 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. 

Trong 11 tháng năm 2022, các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD đạt 64% cùng kỳ, bằng 49,22% kế hoạch năm 2022 (1.500 triệu USD).

Hạ tầng KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đang khẩn trương được đầu tư hoàn thiện để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp.

Ước tính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỉnh Quảng Ninh năm 2022 chỉ đạt hơn 622 triệu USD, bằng 49% kế hoạch năm và đã không đạt kết quả như mong muốn.

Sự sụt giảm này có nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, thu hút FDI sụt giảm còn do các nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, công tác thu hút FDI vẫn thiếu đồng bộ và tính chiến lược. Các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, kết quả thu hút FDI năm 2022 đạt thấp còn vì số dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh có gia tăng nhưng chưa nhiều, số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ con ít, tiến độ triển hai thực hiện một số đự án còn chậm so với đăng ký đầu tư.

Còn một nguyên nhân là các doanh nghiệp trong nước còn yếu về năng lực, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ cà siêu nhỏ chiếm số lượng lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ thương mại, trong khi tỉ trọng đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn còn thấp, tính bền vững, tính liên kết và lan toả còn hạn chế.

Để giải quyết những điểm nghẽn kể trên, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cho rằng, vấn đề tiên quyết của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo là phải tạo dựng được quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho các KCN, KKT.

Cùng với đó là việc đổi mới cả nội dung và hình thức công tác xúc tiến đầu tư, cả tại chỗ và đầu tư mới, ở cả cấp địa phương và cấp doanh nghiệp, tránh tình trạng tỉnh, đặc biệt là các cấp lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo nhưng tự thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN lại không nhiệt tình…

Tỉnh cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài…

Cùng chuyên mục
Tin khác