Quảng Ninh yêu cầu Vinacomin bàn giao đất để làm dự án trường đại học của FLC
An Chi -
07/08/2019 17:38 (GMT+7)
(VNF) - Ngày 7/8, Tập đoàn FLC đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai dự án trường Đại học FLC.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình triển khai dự án, liên quan tới Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chưa trả đất cho UBND tỉnh để có cơ sở giao đất xây dựng trường.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC cũng chưa xác định được tuyến đường kết nối vào trường do vướng mắc các mỏ than xung quanh đang hoạt động.
Sau khi nghe đại diện Tập đoàn FLC trình bày, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Vinacomin tiến hành ngay các thủ tục để bàn giao đất cho tỉnh.
Về tuyến đường kết nối vào trường nhằm phục vụ mục đích thi công, theo Chủ tịch UBND Quảng Ninh, Tập đoàn FLC có thể thực hiện theo phương án tiếp cận qua mỏ Hà Lầm như đề xuất. Tuy nhiên, về lâu dài phải phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Sở Xây dựng nghiên cứu tuyến đường riêng vào trường.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Tập đoàn FLC sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trường Đại học FLC tại TP Hạ Long. Đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh các thủ tục liên quan để khởi công dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Dự án Trường Đại học FLC có tổng mức đầu tư 3.865 tỷ đồng, quy mô diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 50ha tại phường Hà Lầm và Hà Trung, TP Hạ Long. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Văn bản số 664/TTg-KGVX ngày 3/6/2019.
Được biết, Đại học FLC sẽ có ba ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không. Dự kiến trường khởi công trong năm 2019, tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên, tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone