Quỹ đầu tư xanh: Toàn cầu đã bùng nổ, Việt Nam mới chập chững
(VNF) - Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường quỹ xanh toàn cầu phản ánh rõ nét xu hướng đầu tư bền vững ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, dù mới chập chững những bước đi đầu tiên, thị trường quỹ xanh đã bắt đầu thu hút sự quan tâm và hứa hẹn sẽ trở thành một phần quan trọng của hệ thống tài chính xanh.
Quỹ xanh toàn cầu: Chuyển dịch dần từ lượng sang chất
Đầu tư bền vững với trọng tâm là “xanh” đang trở thành dòng chảy lớn trên thị trường quỹ toàn cầu. Ngày càng có nhiều tổ chức quản lý tài sản lựa chọn các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cùng với các yếu tố như chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải carbon, làm căn cứ để quyết định đầu tư.
Morningstar thống kê, tính đến năm 2022, có hơn 50.000 chỉ số bền vững trên toàn cầu, đại diện cho những tiêu chí đầu tư khác nhau từ ESG đến chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon, công nghệ sạch...
Cùng với đó là sự ra đời của một số lượng lớn các quỹ đầu tư trên sàn chứng khoán, lấy những chỉ số này làm tiêu chí để căn chỉnh danh mục. Trong đó, có thể kể đến một số cái tên như: iShares Global Clean Energy ETF tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch theo chỉ số S&P Global Clean Energy Index; iShares MSCI ACWI ESG Leaders ETF và HSBC Asia Sustainable Equity Fund đầu tư theo chỉ số MSCI ACWI ESG Leaders Index; Vanguard ESG U.S. Stock ETF lấy chỉ số FTSE ESG US Select Index làm tham chiếu,…
Báo cáo mới nhất của Morningstar về dòng vốn đầu tư bền vững, tập trung vào các quỹ gắn nhãn xanh và ESG cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường quỹ xanh toàn cầu.
Tính đến hết quý II/2024, trên thế giới có 7.695 quỹ đầu tư bền vững, cao gấp hơn 4 lần mức 1.800 quỹ ghi nhận vào năm 2019. Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 170 quỹ đầu tư quỹ mở (open-ended) và quỹ ETF (exchange-traded) gán nhãn xanh hoặc ESG được tung ra thị trường chứng khoán toàn cầu và bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Theo Morningstar, sự chậm lại trong hoạt động ra mắt sản phẩm mới sau giai đoạn bùng nổ phản ánh xu hướng thận trọng và đầu tư có chiến lược hơn của các tổ chức quản lý tài sản.
Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô tài sản quản lý của các quỹ đầu tư bền vững trên thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng đáng kể. Tính đến quý II/2024, tổng giá trị tài sản của các quỹ này đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy càng nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính chuyển hướng đầu tư của họ vào các sản phẩm đáp ứng tiêu chí “xanh” và ESG.
Về mức độ thu hút dòng tiền, trong quý II/2024, các quỹ đầu tư bền vững hút ròng 4,3 tỷ USD, trong khi quý trước bị rút ròng 2,9 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của dòng vốn vào các quỹ bền vững toàn cầu, sau khi những bê bối “tẩy xanh” của một số doanh nghiệp gần đây khiến nhà đầu tư thoái chí.
“Tiền bắt đầu trở lại các quỹ cổ phiếu xanh và ESG”, bà Hortense Bioy, Giám đốc toàn cầu về Nghiên cứu bền vững và ESG của Morningstar, cho hay.
Theo dự báo của PwC, ước tính tới năm 2026, tổng tài sản các quỹ ESG toàn cầu có thể lên tới 33.900 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng tài sản đầu tư với mức tăng trưởng bình quân 13%/năm, vượt trội so với mức tăng 4,3% của thị trường quỹ đầu tư nói chung.
Quỹ xanh Việt Nam: Những bước đi đầu tiên
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã chính thức giới thiệu chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Sustainability Index - VNSI), nhằm xác định tiêu chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư.
Trên thực tế, thị trường quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện chưa có các quỹ chuyên biệt theo dõi chỉ số VNSI (Chỉ số Bền vững Việt Nam) hay các quỹ tập trung hoàn toàn vào đầu tư xanh. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh tại thị trường quỹ Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu là quỹ mở cổ phiếu Vietnam Opportunity Fund của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital, mặc dù không phải là quỹ cổ phiếu xanh thuần túy song quỹ này đã thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến các dự án và lĩnh vực bền vững khi đã bắt đầu áp dụng yếu tố “phù hợp với nguyên tắc bền vững” như một tiêu chí điều chỉnh trong chiến lược đầu tư.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (Quỹ UVEEF) của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) hiện đang là quỹ mở đầu tiên và duy nhất trên thị trường tài chính Việt Nam áp dụng việc đánh giá chuẩn mực ESG để lựa chọn cổ phiếu đầu tư. Quỹ được thành lập tháng 11/2022, lựa chọn cổ phiếu trên cơ sở đánh giá các tiêu chuẩn thực hành ESG cao theo đánh giá xếp hạng riêng, kèm theo yếu tố nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tốt, đồng thời không đầu tư các cổ phiếu trong một số ngành nghề có tác động xấu tới môi trường như các ngành khai thác than đá hay điện than.
Trong một cuộc trò chuyện với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOBAM Việt Nam, đơn vị quản lý Quỹ UVEEF tiết lộ, tính đến tháng 4/2024, giá trị tài sản ròng của quỹ này đã tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm thành lập vào tháng 11/2022.
“Trong năm 2023 - năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam, hiệu suất đầu tư của quỹ UVEEF đạt mức khá tốt so với thị trường. Với hiệu quả đầu tư tốt thu hút dòng tiền mới vào quỹ, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ tăng 17,7%, vượt trội 5,5% so với mức tăng của chỉ số VN-Index. Mức tăng trưởng này nằm trong top 10 quỹ cổ phiếu có thành tích ấn tượng trong năm 2023 theo thống kê của nền tảng phân phối quỹ mở Fmarket”, ông Hùng cho hay. Đây là tín hiệu khả quan về việc nhà đầu tư Việt Nam ngày càng chú trọng đến các yếu tố ESG và quan tâm đến các sản phẩm đầu tư bền vững.
Một khảo sát của Vietnam Plus cho thấy, các cổ phiếu trong rổ VNSI cũng xuất hiện nhiều trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại đang rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy điểm chung trong “khẩu vị” đầu tư của các quỹ này đang dần hướng đến sự phát triển bền vững, mở ra triển vọng về sự phát triển của các quỹ đầu tư xanh chuyên biệt trong tương lai.
Ông Trương Minh Hùng cho rằng ở thời điểm hiện tại, dù chưa phát triển mạnh như ở các nước khác nhưng Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút vốn đầu tư bền vững nhờ vào một số yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và đầu tư vào năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thứ hai, nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng và nhà đầu tư về đầu tư bền vững ngày càng gia tăng, đặc biệt khi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ESG cao từ các nhà nhập khẩu và thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được cam kết tài chính từ các tổ chức quốc tế, như thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7, cung cấp 15,8 tỷ USD để hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, thị trường quỹ xanh tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng, đặc biệt là sự đồng bộ và quan tâm từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, để các quỹ đầu tư này có thể phát triển và phát huy vai trò dẫn vốn xanh, cần cả sự nhập cuộc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi chiến lược ESG và mục tiêu tăng trưởng xanh.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Leyal Savas, Chuyên viên Điều hành cấp cao - Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), cho biết việc các doanh nghiệp chưa tập trung thiết lập các tiêu chuẩn và áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh đang được xem là thách thức chính đối với dòng vốn xanh trên thị trường chứng khoán. Theo đại diện IFC, việc thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng và sự minh bạch trong báo cáo ESG khiến cho các quỹ gặp khó khăn trong việc đánh giá thực chất của các cam kết xanh. Điều này đặt ra yêu cầu cải thiện khung pháp lý và tăng cường đào tạo về ESG cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại diện UOB Vietnam cũng cho rằng, thách thức chính khi đầu tư ESG tại thị trường Việt Nam là nhiều công ty trên thị trường chứng khoán chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh, do đó chưa có sự đầu tư nguồn lực một cách đúng mực. Điều này dẫn tới việc thông tin và dữ liệu về ESG mà các doanh nghiệp công bố còn khá hạn chế. Các công ty hiện tại vẫn chưa cởi mở trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến ESG khiến cho quá trình thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thiếu đi các tổ chức đánh giá độc lập, một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy trong các báo cáo ESG.
'Nếu không có nguồn đầu tư kịp thời có thể sẽ bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh'
- Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị 10/08/2024 07:00
- 'Cần một chính sách đột phá để phát triển tài chính xanh' 06/08/2024 01:47
- Khơi dòng tài chính xanh, hiện thực hóa mục tiêu lớn 06/08/2024 01:30
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.