Quy định về đại gia Việt góp vốn vào ngân hàng liên doanh nước ngoài
Mai Anh -
28/11/2023 10:39 (GMT+7)
(VNF) - Thông tư số 13/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-NHNN ngày 31/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về cấp giấy phép, tổ chức, hoạt động và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 13 Điều 2 như sau:
“Ngân hàng liên doanh là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm tối thiểu một ngân hàng Việt Nam và tối đa một doanh nghiệp Việt Nam không phải ngân hàng) và bên nước ngoài (gồm tối thiểu một ngân hàng nước ngoài và tối đa một doanh nghiệp nước ngoài không phải ngân hàng) trên cơ sở hợp đồng liên doanh; là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng không quá 5 thành viên, trong đó một thành viên và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 50% vốn điều lệ”.
“Thành viên góp vốn là ngân hàng, doanh nghiệp không phải ngân hàng góp vốn vào ngân hàng liên doanh; là tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài”.
Đáng chú ý, Thông tư 13/2023/TT-NHNN bổ sung điểm b (iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 về chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Cụ thể, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
Đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
- Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone