Rút kinh nghiệm từ Australia, New Zealand lên kế hoạch đối phó ‘bão thịnh nộ’ từ Trung Quốc

Mộc An - 25/05/2021 16:45 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi chứng kiến những đòn trừng phạt thương mại mà Trung Quốc đã áp dụng với Australia, New Zealand cảnh báo các nhà xuất khẩu trong nước phải đa dạng hóa thị trường phòng trường hợp hứng chịu cơn "bão thịnh nộ" từ Trung Quốc.

VNF
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta.

"Chúng ta không thể phớt lờ những gì đang diễn ra giữa Australia và Trung Quốc. Nếu Australia tiến gần tâm bão thịnh nộ của Trung Quốc, chúng ta cũng phải tự hiểu rằng việc cơn bão tiến sát chúng ta có thể chỉ là vấn đề thời gian", Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta trả lời phỏng vấn hãng tin The Guardian ngày 24/5.

Bà Mahuta đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu New Zealand cần suy nghĩ về việc đa dạng hóa và mở rộng các mối quan hệ phòng khi quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi.

Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, kim ngạch thương mại song phương New Zealand - Trung Quốc đạt hơn 23,8 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand.

Tính đến cuối năm 2020, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn tổng giá trị của 4 đối tác thương mại lớn nhất tiếp theo của New Zealand là Australia, Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Theo The Guardian, hiện New Zealand đang trong tình thế khó xử đối với việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc trong khi ngày càng chịu áp lực phải có lập trường cứng rắn hơn với nước này trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong.

Quan hệ Trung Quốc và New Zealand đã căng thẳng từ hồi đầu tháng 5 sau khi Wellington lên tiếng ủng hộ Đài Loan trở thành quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trung Quốc không đồng tình với động thái này, hối thúc New Zealand "ngừng đưa ra những tuyên bố sai lầm" đồng thời yêu cầu Wellington tuân thủ nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" để tránh làm xói mòn mối quan hệ song phương.

Tới tháng 7/2020, New Zealand tuyên bố sẽ ngừng hiệp ước dẫn độ với đặc khu hành chính Hong Kong do không tin tưởng rằng hệ thống tư pháp của Hong Kong đủ độc lập với Trung Quốc sau khi áp dụng luật an ninh mới,

Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc rằng quyết định đơn phương đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong của New Zealand nhằm "chính trị hóa" hợp tác tư pháp với Hong Kong, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây "tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng hợp tác tư pháp" giữa Hong Kong với New Zealand.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã tuyên bố tạm dừng hiệp ước dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với New Zealand.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh.

Sang năm 2020, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby, trong năm 2020, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cho tới nay, ít nhất 13 ngành của Australia đã bị Trung Quốc áp thuế suất cao hoặc cấm nhập khẩu, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.

Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 6/5 thông báo sẽ đình chỉ "vô thời hạn" tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia.

Xem thêm >> EU lên án ‘hành động phi pháp, khiêu khích và phá hoại của Nga’

Theo The Guardian
Cùng chuyên mục
Tin khác