Tài chính quốc tế

Rút tiền khỏi chứng khoán, dồn hết đổ vào kênh đầu tư 'nguyên thủy'

(VNF) - Từng bị nhiều nhà đầu tư ngó lơ, nay tiền mặt lại trở thành "hầm trú ẩn", "kênh đầu tư an toàn" trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

Nếu như trước đây, các nhà đầu tư Mỹ hầu như không kiếm được gì từ số tiền gửi trong tài khoản séc hoặc tài khoản tiết kiệm, thì hiện nay "gió đã đổi chiều", các nhà đầu tư lại đang dốc sức đổ tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ và các công cụ tương đương tiền mặt khác để có thể kiếm được lợi nhuận cao.

Chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm chế ngự tình trạng lạm phát đã đảo ngược mô hình đầu tư vốn tồn tại lâu nay là “không có kênh đầu tư nào có thể thay thế được chứng khoán".

Sau làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán vào năm ngoái, nhiều người đã không đầu tư vào cổ phiếu nữa vì giờ đây họ có thể chốt được mức lợi nhuận 5% với ít rủi ro hơn.

Ông Keith Hagg, nhà đầu tư 50 tuổi tại Mỹ, cho biết cổ phiếu chiếm gần như toàn bộ danh mục đầu tư của ông trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, gần đây ông Keith đã “tích trữ tiền mặt” trong các quỹ thị trường tiền tệ và phân bổ thêm vào trái phiếu khi lãi suất tăng.

"Tôi từng không thấy nhiều giá trị của tiền mặt để trong các tài khoản khi lãi suất thấp. Thế nhưng bây giờ, thật tuyệt khi tôi nhận được tiền lãi đó", ông Hagg cho hay.

Nhiều nhà đầu tư Mỹ xem tiền mặt là kênh đầu tư hiệu quả.

Anh Kevin Barker, một luật sư 38 tuổi, cũng đã bán hầu hết cổ phiếu của mình vào đầu năm nay và đưa vào quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ Schwab, hiện đang mang lại lợi suất hơn 5%. Kevin cũng đã chuyển một số tiền mặt từ tài khoản tiết kiệm vào quỹ thị trường tiền tệ, vì quỹ này trả lãi suất cao hơn.

Mặc dù chứng khoán đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng đà phục hồi đã bị đình trệ trong những tuần gần đây với chỉ số S&P 500 giảm 4,8% trong tháng 8.

Theo dữ liệu của Refinitiv Lipper, tính đến ngày 16/8, các nhà đầu tư đã rút ròng 11,6 tỷ USD từ các quỹ chứng khoán trong 5 tuần qua, đồng thời rót ròng 91,1 tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ.

Trái phiếu là một trong những kênh đầu tư mới được nhiều người lựa chọn bởi theo nhận định của nhiều người, chính phủ Mỹ không có rủi ro vỡ nợ. Do đó, đối với họ, trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ là một trong những tài sản an toàn nhất. Tuy nhiên, lợi tức của hầu hết các trái phiếu là cố định, do đó, những người nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn phải chịu rủi ro lãi suất tăng hoặc lạm phát tái phát. 

Thị trường chứng khoán bấp bênh, không giữ chân được các nhà đầu tư.

Đường cong lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn bị đảo ngược, đồng nghĩa với việc trái phiếu ngắn hạn mang lại lợi suất cao hơn trái phiếu dài hạn.

Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn một tháng có lợi suất là 5,37%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm chỉ mang lại lợi suất 4,38%. Thế nhưng, ưu điểm của trái phiếu dài hạn là lợi suất được đảm bảo trong thời gian dài hơn, nhất là trong trường hợp lãi suất bắt đầu giảm.

Theo dữ liệu của FED, tiền mặt trong các quỹ thị trường tiền bán lẻ đã tăng hơn 25% trong năm nay, lên 1,5 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Crane Data, lợi suất trung bình của 100 quỹ thị trường tiền tệ chịu thuế lớn nhất đạt 5,15%, mức cao nhất kể từ năm 1999.

Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng có hai mặt của nó. Khi các nhà đầu tư đổ xô vào gửi tiết kiệm để nhận được mức lãi suất cao hơn thì các ngân hàng khu vực lại phải chịu thêm nhiều áp lực.

Minh chứng điển hình cho điều này chính là cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào hồi tháng 3 năm nay. Chính vì thế, tờ WSJ cho hay, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất cao hơn có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Mỹ.

Tin mới lên