Sau một năm bê bối, Uber buộc phải ‘bán rẻ’ cổ phần cho SoftBank

Lê Anh - 30/12/2017 07:40 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi đầu tư hàng tỷ USD cho Grab và Didi Chuxing, tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank Group mới đây đã giành được quyền mua một lượng lớn cổ phần của Uber với giá "bèo".

VNF
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Uber vẫn đang là startup được định giá cao nhất thế giới.

Các cổ đông của Uber ngày 28/12 đã chấp nhận bán 17,5% cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó Softbank nắm tới 15%, theo Wall Street Journal. Thỏa thuận cũng mang lại cho Softbank 2 ghế trong hội đồng quản trị của công ty.

Theo một người phát ngôn của Uber, với thương vụ này, Uber được định giá 48 tỷ USD, giảm 30% so với định giá 68 tỷ USD hồi tháng 6/2016.

Cũng nằm trong thỏa thuận, SoftBank sẽ đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD vào Uber tại mức định giá gần nhất 68 tỷ USD. Đây được xem là một sự nhượng bộ với các cổ đông hiện tại của Uber vốn đang lo lắng rằng việc Uber bán cổ phần với giá thấp hơn sẽ làm giảm giá trị số cổ phần họ đang nắm giữ. Theo đó, tổng cộng SoftBank cho biết sẽ trả 7,7 tỷ USD cho 15% cổ phần Uber.

Động thái này gây nhiều bất ngờ cho các nhà đầu tư bởi trước đó SoftBank đang đầu tư cho hàng loạt các đối thủ của Uber trên khắp thế giới, bao gồm Didi Chuxing ở Trung Quốc, Ola ở Ấn Độ, Grab ở Đông Nam Á và 99 ở Brazil.

Uber bị buộc phải chấp nhận mức giá rẻ hơn trong thương vụ trên sau một năm đầy bê bối. Nhà đồng sáng lập Travis Kalanick buộc phải rời khỏi vị trí giám đốc điều hành vì các cáo buộc quấy rối tình dục, rò rỉ dữ liệu, báo cáo kinh doanh thua lỗ...

Với dự định thực hiện niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2019 dù đang lỗ hàng tỷ USD mỗi quý, Uber cần vốn từ SoftBank để tiếp tục mở rộng.

Dù vậy, Uber vẫn đang là start-up được định giá cao nhất thế giới. Sự kiện IPO sắp tới của Uber cũng được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của làng công nghệ trong thời gian tới. Ngay cả khi gặp nhiều khó khăn, sự kiện IPO này chắc chắn vẫn sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho những ai đang nắm giữ cổ phiếu của Uber.

Giới phân tích cho rằng, chiến lược của ông chủ SoftBank, Masayoshi Son, mang tầm nhìn trên phạm vi toàn cầu, bởi những khoản đầu tư này có thể trở thành cổ phần quan trọng tại một công ty chung nếu quá trình sáp nhập các công ty trên diễn ra.

Bằng cách sở hữu cổ phần của những đơn vị khác nhau trong cùng ngành, SoftBank có thể sẽ nắm trong tay quyền kiểm soát sự biến chuyển của bất kỳ ngành công nghiệp nào.

Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California (Mỹ), là hãng chuyên cung cấp dịch vụ xe đi chung cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 450 thành phố tại 76 quốc gia trên toàn thế giới, mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả người dùng và người lái.

Ngày 21/11/2017, Uber thông báo rằng dữ liệu cá nhân của 57 triệu người dùng, bao gồm 600.000 lái xe tại Hoa Kỳ, đã bị đánh cắp vào tháng 10/2016 và công ty này đã trả cho hacker 100.000 USD để hủy những thông tin bị rò rỉ này.

Theo CNBC, các dữ liệu bị đánh cắp bao gồm thông tin cá nhân như tên, địa chỉ email và số giấy phép lái xe.

Một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu đưa vụ việc ra điều trần trước quốc hội và kêu gọi Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) vào cuộc. Tại Anh, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu đang làm việc với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước để điều tra. Bên cạnh đó, chính phủ Úc và Philippines thông báo sẽ điều tra cách Uber xử lý việc mất cắp dữ liệu.

>> Thâu tóm Uber: Ông chủ SoftBank định giá startup chỉ 48 tỷ USD

Theo Wall Street Journal
Cùng chuyên mục
Tin khác