Xe

Savico: Hàng tồn kho hơn 2.000 tỷ, nợ tăng lên trên 4.000 tỷ đồng

(VNF) - Trong quý II/2023, lãi sau thuế của Savico giảm gần 94% xuống 10,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty còn 24,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.

Savico: Hàng tồn kho hơn 2.000 tỷ, nợ tăng lên trên 4.000 tỷ đồng

Công ty phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam Savico: Lợi nhuận lao dốc, hàng tồn kho hơn 2.100 tỷ đồng

Công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (HoSE: SVC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 4.454 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp giảm 26%, chỉ đạt 324,2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính tăng lần lượt 60% và 125% so với cùng kỳ, tương ứng 4,7 tỷ đồng và 50,3 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với quý II/2022. Chốt quý, Savico ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 94% xuống 10,2 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần của Savico đạt 9.246 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh tới 90% xuống 24,8 tỷ đồng.

Năm 2023, Savico đặt mục tiêu 29.673 tỷ đồng doanh thu, 439 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng công ty mới chỉ thực hiện được 31% mục tiêu doanh thu và 5,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lý giải về sự sụt giảm của doanh thu toàn hệ thống, Savico cho biết tình hình kinh doanh của thị trường xe ô tô quý II/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ, các đơn vị thành viên của Savico cũng không nằm ngoài xu hướng chung, đều chịu ảnh hưởng suy giảm về sản lượng và doanh số bán xe. Mặc dù doanh thu mảng dịch vụ ô tô có tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng cũng không đủ bù đắp cho sụt giảm từ doanh thu xe mới.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Savico tại thời điểm 30/6/2023 đạt 6.448 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền của Savico giảm 61,5% so với đầu năm xuống 201,6 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn khách hàng của công ty giảm nhẹ 3% xuống 558,8 tỷ đồng, trong đó, phải thu khách hàng thương hiệu Ford 229,3 tỷ đồng; thu khách hàng thương hiệu Toyota 122,4 tỷ đồng; khách hàng thương hiệu Hyundai 51,6 tỷ đồng,…

Đáng chú ý, phải thu ngắn hạn khác và hàng tồn kho đồng loạt tăng so với đầu năm. Cụ thể, phải thu ngắn hạn khác tăng 57% lên 308 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng hơn 19% lên 2.150 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tính đến 30/6/2023 là 4.042 tỷ đồng, tăng 9,5% so với con số 3.691 tỷ đồng hồi đầu năm, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.202 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn tăng nhẹ lên hơn 307 tỷ đồng, gồm: công nợ Ford 66,3 tỷ đồng; công nợ Toyota 45,8 tỷ đồng, công nợ Hyundai 44,5 tỷ đồng, phải trả các đối tượng khác hơn 150,6 tỷ đồng.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong quý II/2023 tăng 24,3% so với đầu năm lên 2.453 tỷ đồng và vay nợ dài hạn tăng 19,6% lên 332,3 tỷ đồng so với con số 277,9 tỷ đồng đầu năm.

Quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Savico là 2.405 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Đáng chú ý, vốn góp chủ sở hữu gấp 2 lần so với đầu năm lên 666,3 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn được thành lập vào năm 2004 và được niêm yết trên Sở gioa dịch chứng khoán TP. HCM từ năm 2009 với mã chứng khoán SVC. Tại ngày 30/6/2023, công ty có 23 công ty con sở hữu trực tiếp và 25 công ty con sở hữu gián tiếp.

Năm 2022, tổng lượng xe tiêu thụ toàn hệ thống Savico đạt 42.834 xe ô tô mới, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ, trong khi toàn thị trường tăng 24%. Kết quả này giúp Savico tiếp tục khẳng định vị thế là nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô số 1 Việt Nam với thị phần 11,9% toàn thị trường (VAMA).

Savico bán khá nhiều dòng xe gồm Toyota, Ford, VinFast, Honda, Hyundai, Volvo, Nissan... nhưng Toyota và Ford vẫn là 2 thương hiệu ô tô đóng góp lớn nhất vào thành tích bán hàng chung của toàn hệ thống Savico. Trong đó, Toyota đạt doanh số 17.628 xe là thương hiệu ô tô bán chạy nhất trong hệ thống của Savico. Ford xếp thứ nhì với doanh số đạt 9.246 xe trong năm 2022.

Xem thêm: Savico đồng loạt miễn nhiệm 5 Phó tổng giám đốc

Tin mới lên