(VNF) - SCIC cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động đầu tư của tổng công ty này là hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể và rõ ràng về căn cứ để xác định việc tuân thủ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư: tính theo toàn bộ danh mục vốn đầu tư vấn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao hay theo từng khoản đầu tư thực hiện.
Trong báo cáo gửi đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nêu ra một số khó khăn, hạn chế mà "siêu doanh nghiệp" này đang gặp phải.
Bên cạnh khó khăn về cơ chế và thị trường, SCIC cho hay trong danh mục của tổng công ty này còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công.
"Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh công tác bán vốn, SCIC đã chủ động báo cáo Ủy ban và cơ quan có thẩm quyền về việc: sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2018/NĐ-CP; cho phép SCIC áp dụng cơ chế đặc thù (hạ giá khởi điểm...) nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", phía SCIC thông tin.
SCIC cho biết công tác cổ phần hóa còn gặp khó khăn vướng mắc và chậm so với kế hoạch, chủ yếu là do các cơ quan chức năng chậm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Mặt khác, trước khi chuyển giao về SCIC, hầu hết các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô nhỏ, còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, thậm chí một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản.
Về hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tổng công ty này nhấn mạnh mặc dù đã nghiên cứu nhiều cơ hội đầu tư, chủ động làm cầu nối giữa doanh nghiệp có vốn của SCIC với một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai nghiên cứu cơ hội đầu tư, nhưng kết quả giải ngân đầu tư còn rất hạn chế (ngoại trừ khoản đầu tư hiện hữu vào các doanh nghiệp đang quản lý) do gặp một số khó khăn vướng mắc về pháp lý.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền còn chưa thống nhất ý kiến về việc SCIC có được tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù và không chịu sự hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP hay không. Trong khi, theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/2017/NĐ-CP, SCIC được chủ động nguồn vốn kinh doanh để thực hiện đầu tư vào lĩnh vực, dự án, ngành nghề đem lại hiệu quả; không bị giới hạn lĩnh vực đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư, theo quy định tại Khoản 4, Điều 8, Quy chế Quản lý tài chính của SCIC, Hội đồng thành viên SCIC quyết định từng dự án đầu tư có giá trị không quá 25% vốn chủ sở hữu căn cứ Báo cáo tài chính thời điểm gần nhất, nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công.
"Quy định này chưa làm rõ thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC đối với các khoản đầu tư không thuộc các lĩnh vực của dự án nhóm B theo Luật Đầu tư công, trong đó có lĩnh vực đầu tư tài chính", báo cáo cho hay.
Đặc biệt, SCIC cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động đầu tư của tổng công ty này là hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể và rõ ràng về căn cứ để xác định việc tuân thủ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư: tính theo toàn bộ danh mục vốn đầu tư vấn quản lý/vốn chủ sở hữu được giao hay theo từng khoản đầu tư thực hiện.
Ngoài ra, cơ chế thoái vốn đối với các khoản đầu tư mới của tổng công ty này vẫn phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 32/2018/NĐ-CP dẫn đến quá trình bán vốn sẽ kéo dài hoặc bỏ lỡ cơ hội thoái vốn khi thị trường thuận lợi.
Năm 2020, SCIC cho biết mục tiêu của tổng công ty là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chuyển giao từ các Bộ, ngành.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã tiếp nhận theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Tổng doanh thu kế hoạch năm 2020 của SCIC là 6.916 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 4.839 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch đạt 4.565 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước đạt 3.470 tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone