Tài chính

Sếp SCIC nói về thoái vốn: Không sợ thị trường bội thực

(VNF) – Trong năm 2017, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại một loạt doanh nghiệp blue-chip, điều này làm xuất hiện một số lo ngại thị trường có thể bội thực nguồn cung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Thành – Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho rằng "nếu có hàng tốt và mức giá hợp lý thì thị trường vẫn có thể đón nhận".

Sếp SCIC nói về thoái vốn: Không sợ thị trường bội thực

Ông Nguyễn Chí Thành - Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC

Trao đổi với TBKTVN, ông Nguyễn Chí Thành cho biết năm 2017, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại một số doanh nghiệp blue-chip như: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Vinaconex, FPT...

"Bên cạnh việc tiếp tục lộ trình thoái 3,33% vốn điều lệ Vinamilk, Vinaconex sẽ là đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC với việc bán 21,79% vốn điều lệ (96,25 triệu cổ phiếu). Ngày 16/11 tới đây, SCIC sẽ tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinaconex", ông Thành nói.

Theo ông Thành, SCIC dự kiến bán 37,1% vốn điều lệ Nhựa Tiền Phong (33,1 triệu cổ phiếu). Với Nhựa Bình Minh, con số này là 29,51% vốn điều lệ (24,16 triệu cổ phiếu); với Domesco là 34,71% vốn điều lệ (12 triệu cổ phiếu).

Nhấn mạnh cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp này là rộng mở đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ông Thành cho biết room cho khối ngoại là rất lớn: với Nhựa Tiền Phong là 25,09%, với Nhựa Bình Minh là 56,2%, với Domesco là 43,42%. Riêng với FPT, do SCIC còn sở hữu 5,96% vốn điều lệ (ứng với 31,63 triệu cổ phiếu) nên mức sở hữu nước ngoài ở FPT đã đạt trần.

"Dự kiến, roadshow bán vốn tại các doanh nghiệp này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 và việc bán vốn dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong tháng 12. SCIC hiện đang rất khẩn trương để thực hiện cho kịp tiến độ đề ra", ông Thành thông tin.

Trả lời cho câu hỏi việc bán vốn cùng lúc như vậy có gây quá tải cho thị trường không, ông Thành cho rằng các doanh nghiệp được thoái vốn sắp tới đều là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như: thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số cổ phần lớn.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Do vậy, "theo chúng tôi, nếu có hàng tốt và mức giá hợp lý thì thị trường vẫn có thể đón nhận", ông Thành nhận định.

SCIC dự kiến thu về ít nhất 7.250 tỷ đồng từ việc bán 3,33% vốn điều lệ Vinamilk

Phó tổng giám đốc của SCIC cũng cho biết vừa qua, SCIC đã xin các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như: việc miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ... để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán). Nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền.

Nhà đầu tư cũng chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán, thay vì chuẩn bị 110% như năm 2016.

Nói về các biện pháp thúc đẩy việc thoái vốn, ông Thành cho biết SCIC hiện đang nghiên cứu phương thức dựng sổ để sẵn sàng áp dụng khi có quy định.

"SCIC cũng đang cân nhắc, xin Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép thoái vốn bằng cách bán cổ phần cả lô đối với doanh nghiệp niêm yết. Vì trong một số trường hợp, các cổ đông lớn chỉ quan tâm đến việc mua một phần vốn của SCIC để đạt tỷ lệ chi phối và phần còn lại sẽ rất khó bán.

"Ví dụ, nếu SCIC muốn bán 40% cổ phần của một công ty trong khi một cổ đông khác cũng đang nắm 40% cổ phần. Cổ đông này có thể sẽ chỉ mua 11% từ SCIC để nắm cổ phần chi phối và 29% còn lại sẽ rất khó bán ở mức giá tốt", ông Thành cho hay.

Xem thêm >>> Báo cáo tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 10 tháng năm 2017

Tin mới lên