Ngân hàng

SHB: Chặng đường tích lũy cho một giai đoạn đột phá

(VNF) - Từ một NHCP nông thôn với số vốn 400 triệu ban đầu, SHB đã trở thành NH top 5 với số vốn gần 37.000 tỷ. Rất nhiều nhân viên chia sẻ rằng, đó là một điều ‘thật khó tin’ nhưng với các lãnh đạo SHB, đó là kết quả của hành trình niềm tin với tầm nhìn dài hạn và nỗ lực tích lũy liên tục để tạo nền cho SHB đột phá.

SHB: Chặng đường tích lũy cho một giai đoạn đột phá

Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội mới có chuyến công tác tới nơi khởi điểm của SHB. Đó là trụ sở Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái trước đây và nay là Phòng giao dịch SHB Phong Điền – Cần Thơ. Nơi đây, có những nhân viên đã gắn bó cả quãng đời công tác của mình với SHB, họ chứng kiến một NHCP nông thôn với số vốn 400 triệu ban đầu đã trở thành NH top 5 với số vốn gần 37.000 tỷ. Rất nhiều nhân viên chia sẻ rằng, đó là một điều ‘thật khó tin’. Với các lãnh đạo SHB, đó là kết quả của hành trình niềm tin với tầm nhìn dài hạn và nỗ lực tích lũy liên tục để tạo nền cho SHB đột phá.

Dấu ấn trong 1 thập kỷ biến động

Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái thành lập năm 1993, tới 2006 chuyển đổi lên Ngân hàng TMCP đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Nếu quyết định này được xem là dấu mốc ‘thay đổi số phận’ thì những bước đi mạnh mẽ, những thương vụ dấu ấn trong giai đoạn 2012 – 2022 là tiền đề quan trọng để có được SHB như hôm nay. Đặc biệt hơn, giai đoạn SHB tích lũy và phát triển mạnh mẽ nhất chính là 1 thập kỷ biến động đầy khó khăn của NH và nền kinh tế.

Sau những chuyển động như chuyển trụ sở ra Hà Nội năm 2008, lên sàn 2009, SHB trong nhận diện của thị trường vẫn là một nhân tố mới dù số vốn lúc đó đã 5.000 tỷ đồng. Nhưng ẩn sâu trong vóc dáng có vẻ trầm lặng và mộc mạc là một tầm nhìn dài hạn, một quyết tâm lớn và hành động mạnh mẽ.

Và chính điều đó đã khiến cho toàn hệ thống bất ngờ khi SHB – một NHTMCP đi đầu trong việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống các TCTD với việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào tháng 8/2012.

Sau hơn 10 năm nhìn lại, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB nói: ‘Đó là một thương vụ đặc biệt’.

Thương vụ đặc biệt: Sáp nhật Habubank vào SHB

 

Đặc biệt không chỉ vì đây là thương vụ duy nhất đến nay sáp nhập thành công 2 NH cùng niêm yết trên sàn chứng khoán, có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới, nhân sư tương đương đã giúp SHB tăng gần gấp đôi quy mô về vốn, nhân sự và mạng lưới. Mà sự đặc biệt còn đến từ xử lý những hậu quả của Habubank với gánh nặng Bianfishco, Vinashin…

Những ngày đầu tiên sau công bố sáp nhập, SHB đã vào cuộc giải cứu Bianfishco không chỉ để xử lý khoản nợ xấu hơn 500 tỷ mà trước hết cứu lấy một nhà máy chế biến thuỷ sản hàng đầu Việt Nam và đằng sau nó là là hàng nghìn hộ nuôi cá tra, hàng nghìn người lao động. Chưa đặt vấn đề thu hồi nợ, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHB đã quyết định thanh toán toàn bộ tiền nợ của Bianfíshco cho người dân trong một lần duy nhất với tổng số tiền trên 220 tỷ đồng. Và nhờ đó, một chuỗi sản xuất và xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam được giữ vững và củng cố.

Với Vinashin là một câu chuyện dài và thách thức hơn nhiều nhưng đến hôm nay, Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà cho biết, đã cơ bản xử lý xong.

Thương vụ M&A Habubank khiến SHB phải mất thời gian dài để giải quyết các vấn đề liên quan. Đứng ra nhận sáp nhập Habubank đúng thời điểm, SHB không chỉ góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, cứu một tổ chức trước nguy cơ phá sản, mà còn cứu hàng nghìn người lao động không bị mất việc làm, cứu 1 chuỗi thuỷ sản lớn không đổ vỡ và đặc biệt quyền lợi của các cổ đông được bảo toàn.

Bà Hà tâm sự: “Đến nay, thị trường đã có nhiều thương vụ sáp nhập, tiếp quản khác có màu sắc, đặc thù riêng nhưng chúng tôi tin SHB đã có 1 cuộc sáp nhập rất thành công từ con người, từ tác động xã hội và sau đó là sự phát triển. Một trong những minh chứng là đến nay, gần như tất cả các cán bộ nhân viên Habubank vẫn gắn bó với SHB”.

Nếu sáp nhập Habubank mang màu sắc của một vụ giải cứu thì vụ nhận sáp nhập Công ty cổ phần Tài chính Vinaconex Viettel (VVF) lại là một thương vụ M&A thành công điển hình trên thị trường. Tháng 12/2016, SHB nhận sáp nhập VVF và chuyển đổi thành Công ty Tài chính TNHH MTV SHB.

Đang phải xử lý những hậu quả từ Habubank, lại gánh thêm công ty tài chính thực sự là một thử thách với nội lực của SHB. Nói như Tổng Giám đốc SHB, khó nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi cũng phải gồng mình, giữ lấy niềm tin và cố gắng hết sức để giải quyết. Và khi giải quyết những được khó khăn, chúng tôi sẽ có thêm động lực và nguồn lực để phát triển.

Tổng giám đốc SHB Ngô Thu Hà

 

Và phần thưởng lớn đã đến khi SHB thỏa thuận thoái 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri - Thái Lan trong vòng 3 năm. Tháng 5/2023, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Đây là thương vụ M&A với giá trị cao thứ 2 trong các thương vụ mua bán công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường, đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.

Là người trực tiếp thực hiện thương vụ M&A giữa SHBFinance với Krungsri Bank, ông Đỗ Quang Vinh – Phó chủ tịch HĐQT SHB kể lại: Đó là một thương vụ rất đặc biệt khi một giao dịch bán vốn lớn mà 2 bên không gặp nhau do đại dịch Covid-19. Và điều đặc biệt hơn, đó là 1 deal lớn mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng hôm nay nhưng đã được tạo lập từ nhiều năm trước đó.

Theo ông Vinh, chiến lược M&A đóng vai trò quan trọng, phần nào quyết định thành công của SHB. Điều đó giúp SHB phát triển nhanh hơn nhiều so với quy mô và hiệu quả trước đây.

Trong một thập kỷ qua, cùng với những dấu ấn nổi trội của những thương vụ M&A, SHB đã có những bước đi táo bạo để mở rộng hệ thống và quy mô của mình.

Năm 2012 đánh dấu SHB vươn ra thị trường quốc tế khi mở Chi nhánh nước ngoài tại Campuchia và Lào. Đến nay cả 2 chi nhánh đã phát triển thành ngân hàng con, đưa SHB là NHTMCP duy nhất có 2 NH con ở nước ngoài. Đồng thời, SHB đã mở Văn phòng đại diện tại Myanmar và có kế hoạch vươn xa hơn nữa ra các thị trường châu Úc, châu Âu, châu Phi.

Song song với đó, liên tục trong nhiều năm, SHB nỗ lực tăng vốn điều lệ và nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế. Năm 2018, SHB có vốn điều lệ 12.036 tỷ đồng; tới 2020 tăng lên 17.510 tỷ đồng và hoàn tất 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn. Năm 2021, SHB tăng vốn lên 26.674 tỷ đồng…

Cho đến bây giờ nhìn lại, người SHB càng cảm nhận được quyết tâm lớn của người đứng đầu dẫn dắt SHB qua 1 thập kỷ tích lũy, tăng tốc giữa lúc thị trường đầy biến động và khó khăn. Trong bối cảnh chung ấy, SHB luôn kiên trì nguyên lý biến thách thức thành cơ hội để chuyển mình. Và sự lớn mạnh về nội lực đã mở ra những động lực tăng trưởng mới.

Bà Ngô Thu Hà cho rằng, những thành quả của ngày hôm nay bắt nguồn từ 1 tầm nhìn dài hạn với những quyết sách rất nhanh và đúng đắn được thực thi quyết liệt. Thời gian vừa là cơ hội, vừa là thước đo cho sự trưởng thành. Quãng đường 1 thập kỷ vừa qua đã tạo ra nền tảng vững vàng cho SHB hiện thực những khát vọng đột phá tới tương lai.

Còn theo ông Đỗ Quang Vinh: “Những quyết định trong quá khứ của lãnh đạo SHB đã giúp cho ngân hàng có quy mô phát triển và hiệu quả ngày hôm nay. Thế hệ lãnh đạo trẻ sẽ học được rất nhiều từ thế hệ trước qua những quyết định lớn như vậy. Và đó là một sự thử thách”.

Nhiệm vụ sáng tạo và chuyển đổi

Tích luỹ nền tảng đã mang lại SHB cho những quả ngọt. Những năm gần đây, SHB tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận và chất lượng. Hiện SHB nằm trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao và tham vọng hướng tới ngân hàng hiệu quả top đầu. Cổ phiếu SHB lọt vào danh sách VN30 nhờ đáp ứng các tiêu chí quan trọng về quy mô và chất lượng…

Năm 2022, tổng tài sản SHB đạt hơn 551 nghìn tỷ đồng, vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 62.577 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 30.674 tỷ đồng thuộc top 5 NHTMCP tư nhân. Lợi nhuận trước thuế hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. SHB được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B1, triển vọng tích cực.

Trong 2023, vốn điều lệ của SHB tăng lên mức 36.194 tỷ đồng, đứng top 4 NHTMCP tư nhân. Đồng thời, SHB bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trước thời hạn.

Ông Đỗ Quang Vinh cho rằng, với quy mô như vậy SHB mới có thể nghĩ đến câu chuyện đầu tư mạnh hơn cho chuyển đổi và phát triển đột phá. Nếu không đạt được quy mô trong quá khứ như vậy thì sẽ không thể nào đề ra những mục tiêu lớn hơn.

Khai trương ngân hàng con tại Lào

 

Với tâm thế của một thế hệ lãnh đạo tiếp nối, ông Vinh bày tỏ, mỗi đỉnh cao lại là một khởi điểm cho hành trình mới. Cột mốc 30 năm chính là sự khởi động cho những kỳ vọng mà SHB phải vươn tới, phải chinh phục với niềm tin vào những giá trị tích lũy được 3 thập kỷ qua.

SHB đề ra mục tiêu đến 2027 sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất ở Việt Nam, tầm nhìn tới năm 2035 trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại top đầu của khu vực. Để làm được điều đó, SHB bám sát 4 trụ cột lớn cho chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện giai đoạn 2022-2027 là: Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo đó, đổi mới cơ chế, thể chế sẽ có trọng tâm quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại để số hóa các quy trình nội bộ. Kiện toàn tổ chức và nhân sự theo hướng hiện đại, nâng cao tính kết nối… Hoạt động kinh doanh với “khách hàng là trung tâm” luôn đặt người dùng cuối ở vị trí trung tâm và đưa sáng tạo trở thành yếu tố cốt lõi; sáng tạo cần phải được thúc đẩy tối đa để tạo ra các đột phá. Với công nghệ và chuyển đổi số, tập trung nguồn lực để phát triển hiện đại hóa nền công nghệ, nâng cao tiện ích cho khách hàng và quản trị điều hành hệ thống.

Chia sẻ quan điểm cho giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sắp tới, ông Vinh nói, chuyển đổi số không chỉ và không phải là cuộc đua về công nghệ. Tất nhiên, chúng ta sẽ ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, sẽ tập hợp những người giỏi nhất… nhưng bản chất không chỉ là sự chạy đua về công nghệ. Bởi vì, công nghệ là công cụ phục vụ cho kinh doanh, để thúc đẩy kinh doanh, không phải là yếu tố quyết định thành hay bại của một ngân hàng. Việc có quyết định đầu tư công nghệ hay không phụ thuộc vào việc công nghệ phục vụ kinh doanh, phục vụ tăng hiệu suất làm việc và phục vụ khách hàng tốt hơn.

 

Với định hướng đó, SHB đang tập trung cho việc tạo dựng nền tảng mới. Trước hết là xây dựng được một kiến trúc công nghệ thông tin bài bản với nguyên tắc dựa trên nhu cầu của khách hàng và cung cấp sản phẩm phù hợp tới khách hàng. Thứ hai là xây dựng nền tảng dữ liệu. Bởi vì, ai có được nền tảng cơ sở dữ liệu lớn nhất và đầy đủ nhất thì người đó là chiến thắng. SHB sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng các nền tảng dữ liệu của mình.

Với SHB đây là một chiến lược chuyển đổi toàn diện chứ không chỉ đầu tư vào công nghệ và gọi là chuyển đổi số. Chính vì thế, trong công cuộc chuyển đổi này, thách thức lớn nhất là chuyển đổi tư duy. Điều này quay về với trụ cột lớn của SHB chính là con người. Bởi vì năng lực của con người sẽ quyết định sự thành bại của một tổ chức. Và trong giai đoạn tới với những đòi hỏi của chuyển đổi, tất cả người của SHB sẽ phải nâng cao năng lực của mình.

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, đồng thời đang đứng trước hành trình bứt phá để vươn Tầm, bà Ngô Thu Hà nhấn mạnh, SHB luôn trong tâm thế đổi mới để phát triển. Sau một thời gian tích lũy, SHB đã có nền tảng vững chắc để bứt phá, là điều kiện để công cuộc chuyển đổi SHB bây giờ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. SHB phải chuyển đổi chính mình để bắt kịp sự phát triển của thị trường, vươn lên bứt phá. Tại SHB, tinh thần chuyển đổi đang được cảm nhận ở khắp mọi nơi, bắt đầu từ tư duy mỗi người, từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ nhân viên. Với chính mỗi người SHB phải tự nhận thức được những việc làm hàng ngày của mình đã thực sự đổi mới hay chưa, đem lại sự khác biệt với ngày hôm qua chưa, ngày mai có kế hoạch gì để tạo sự khác biệt với hôm nay. Mỗi bước nhỏ như thế đều thể hiện được kết quả rõ nét của sự chuyển đổi, mới đạt được mục tiêu, khát vọng thách thức đã đặt ra.

Caption

SHB tuổi 30 ấp ủ khát vọng vươn tầm 30 năm tiếp theo và trăm năm sau nữa. Muốn vươn tầm, chúng ta cần phải thay đổi. Hôm nay ta thành công nhưng ngày mai có thể thất bại nếu ta không thay đổi, cụ thể hơn là: Không hiểu thay đổi - Ngại thay đổi – Sợ thay đổi”

Muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải thay đổi từ chính mình: Thay đổi từ tư duy, suy nghĩ đến ứng xử và hành động với phương châm: “Nói là phải làm, đi là phải đến. Muốn thay đổi phải quyết liệt.”

Cái mới có thể thành công hoặc thất bại, nhưng nếu chúng ta không mạnh dạn làm, không mở đầu, không đi thì sẽ không bao giờ đến đích. Cách của tôi là luôn cố gắng để các bạn trưởng thành hơn mỗi ngày, mang những luồng sinh khí mới đến để cùng thúc đẩy sự phát triển.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển

 

Tin mới lên