'Siêu thị trong chung cư như bom nổ chậm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào'
Lệ Trần -
30/03/2018 08:53 (GMT+7)
(VNF) – Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã nêu quan điểm trên tại "Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản" diễn ra hôm nay (29/3).
Siêu thị trong chung cư như "bom nổ chậm"
Theo ông Phạm Thanh Tùng, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra hơn 1.270 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ. Trong đó, đã xảy ra 1.000 vụ cháy tại các chung cư, nhà phố, các công trình dịch vụ làm 26 người chết và bị thương 44 người.
Ông Tùng cho rằng từ những vụ cháy nổ ở các chung cư cần rút ra 2 bài học. Một là khâu thiết kế chung cư cần phải tuân theo các quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành và hai là khi xây dựng xong phải nghiệm thu ngay, thành phần nghiệm thu phải có đủ chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cơ quan chức năng.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nói về thiết kế chung cư, ông Tùng cho biết hiện nay các chung cư đều có tầng hầm. Không những vậy, nhiều chung cư còn có xu hướng đưa siêu thị vào trong chung cư với lý do thuận lợi cho sinh hoạt của cư dân.
"Ở các nước, không phải nơi nào người ta cũng cho siêu thị vào chung cư, bởi siêu thị trong chung cư như 'bom nổ chậm', có thể phát hỏa, nổ bất cứ lúc nào nếu như hệ thống phòng cháy chữa cháy không đáp ứng được", ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng đây là một bất cập rất lớn.
Vị Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng nêu lên một thực tế là cư dân hiện nay mua nhà nhưng không nắm được luật, không biết mình được đảm bảo quyền lợi gì. Cư dân cũng không hề được đào tạo, không hề được tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
Ông Tùng dẫn chứng ở các nước, các thiết bị trong chung cư như: thang cá nhân, mặt nạ phòng độc... luôn được chuẩn bị sẵn, còn ở ta lại không có. Đó là chưa kể đến điều bất cập là chủ đầu tư/chính quyền lại hầu như không quản lý được các không gian xung quanh tòa nhà.
"Các thiết bị như trụ cứu hỏa, hộp báo cháy, đèn chiếu sáng... khi có hỏa hoạn hầu như không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng chỉ được thời gian đầu. Thêm vào đó, chúng ta không có văn hóa ở chung cư. Chúng ta đốt vàng mã nhưng cửa phòng cháy thì lại tùy tiện chặn lại cho tiện di chuyển", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, về vấn đề phòng cháy chữa cháy, luật quy định là một chuyện nhưng phải có sự vào cuộc của cả xã hội, chứ không thể để "mất bò mới lo làm chuồng" được.
Khởi tố vụ án cháy chung cư Carina khiến 13 người chết là quá muộn
"Đối với vụ cháy trên, cần quy trách nhiệm rõ, khởi tố để làm gương cho các chủ đầu tư khác, đảm bảo sự an toàn chính đáng cho cư dân", ông Tùng nhấn mạnh.
Qua vụ cháy này và những vụ trước đó, ông Tùng khẳng khẳng định vấn đề "hậu kiểm" của chúng ta không nghiêm túc, chưa có trách nhiệm rõ ràng. "Trong tất cả những vụ này, hầu như là chủ đầu tư chịu trách nhiệm, còn cơ quan quản lý rất ít khi chịu trách nhiệm".
"Trong thời gian tới đây, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an… phải có biện pháp quyết liệt hơn. Câu hỏi chính quyền cần trả lời cho dân là những khu chung cư, khu đô thị có an toàn cho người dân sống trong tương lai hay không", ông Tùng nói thêm.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.