Tiêu điểm

Sở hữu nguồn tài nguyên 'tốt nhất châu Á', Việt Nam hút giới đầu tư toàn cầu

(VNF) - Bên cạnh đất hiếm, Việt Nam còn sở hữu một “kho báu” khác và thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nếu giải quyết được những vướng mắc còn tồn đọng, Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

Sở hữu nguồn tài nguyên 'tốt nhất châu Á', Việt Nam hút giới đầu tư toàn cầu

Điện gió ngoài khơi đang là lĩnh vực thu hút giới đầu tư toàn cầu vào Việt Nam.

Tiềm năng điện gió của nước ta

Trong xu hướng nỗ lực giảm khí thải nhà kính và giải quyết các vấn đề gây ra bởi biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu đầu tư và phát triển các dạng năng lượng tái tạo có hàm lượng carbon thấp, trong đó có điện gió.

Theo “Báo cáo về điện gió ngoài khơi trên toàn cầu năm 2023” của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), tính đến cuối năm 2022, tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn cầu đạt 64,3 GW. Công suất lắp đặt mới trong năm 2022 đạt 8,8 GW, cho thấy mức tăng trưởng hàng năm của điện gió ngoài khơi đạt 16%.

Trong giai đoạn từ năm 2023 – 2032, hơn 320 GW công suất điện gió ngoài khơi sẽ được bổ sung vào thị trường toàn cầu. Gần một nửa trong số đó dự kiến đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiếp đến là châu Âu chiếm 41% và Bắc Mỹ chiếm 9%.

Việt Nam có công suất lắp đặt điện gió lớn trên toàn cầu.

Chỉ tính riêng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các dự án điện gió ngoài khơi được xây dựng trong năm 2023 – 2032 dự kiến sẽ giúp giảm khoảng 650 Mt CO2 mỗi năm.

Việt Nam cũng được xem là một trong những thị trường tiềm năng cho phát triển điện gió ngoài khởi. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính lên tới 500 GW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La (theo thống kê vào năm 2021).

Chưa kể, hơn 39% diện tích của nước ta có sức gió trung bình mỗi năm trên 6 m/s ở độ cao 54m, thậm chí lên tới 10 m/s ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam nước ta. Trong khi đó, sức gió được đánh giá là khả thi để phát triển điện gió là 8 m/s.

Vào cuối năm 2019, Việt Nam có công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi cao thứ 9 trên toàn cầu với 99 MW đang vận hành, nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Thu hút hàng loạt nhà đầu tư từ Âu sang Á

Báo cáo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo vào năm 2040, sẽ có 1.000 tỷ USD được đầu tư vào điện gió ngoài khơi, trong đó thị trường châu Á chiếm đến hơn 60%.

Tiềm năng về điện gió ngoài khơi song song với cam kết của chính phủ về việc khử carbon hoàn toàn vào năm 2050 có thể giúp tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam tăng theo cấp số nhân và thu hút hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài.

Sembcorp Utilities muốn tiếp tục đầu tư vào điện gió ngoài khơi của nước ta.

Sembcorp Utilities - đơn vị thuộc Sembcorp của Singapore và Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) - công ty con của Petrovietnam, đã cùng nhau tìm kiếm cơ hội phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi ở Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore.

Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy – một trong những tập đoàn năng lượng tái tạo tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và châu Á, ông Nate Franklin khẳng định Việt Nam cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường quan trọng nhất của Pacifico Energy.

Đồng thời, Pacifico Energy cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có phát triển điện gió ngoài khơi. Pacifico Energy hiện đang là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất của Mỹ với dự án điện mặt trời Mũi Né công suất 40 MW ở Bình Thuận và dự án điện gió Sunpro 30 MW ở Bến Tre.

Trước đó, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã công bố phát triển dự án sản xuất điện gió ngoài khơi và tiến hành khảo sát vào những tháng sau đó để nghiên cứu các tuyến đường đặt cáp ở Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư từ châu Á sang châu Âu đều muốn tham gia vào lĩnh vực

điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, Sumitomo sẽ bắt đầu vận hành một trang trại điện gió với công suất 500 megawatt đến 1 GW vào năm 2030 ở nước ta. Nếu kế hoạch ban đầu đi đúng hướng, Sumitomo sẽ tiếp tục phát triển các dự án điện gió tiếp theo và mở rộng ra cả khu vực phía Bắc của nước ta.

Renova, một công ty chuyên về năng lượng tái tạo, cũng đã thiết lập cơ sở phát triển tại Việt Nam. Vào tháng 4/2022, Renova đã ký một biên bản ghi nhớ về phát triển điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng kế hoạch phát triển một nhà máy điện gió 2 GW trong tương lai. 

Renova hiện đang tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc và Philippines, nhưng lại có số lượng nhân sự lớn nhất tại Việt Nam. Theo Kei Saiki, đồng giám đốc bộ phận kinh doanh toàn cầu của Renova, công ty này coi Việt Nam là “một trong những quốc gia quan trọng nhất” để phát triển năng lượng tái tạo.

Công ty Orsted của Đan Mạch, công ty điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới cùng tập đoàn T&T Group của Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác nhằm xây dựng, củng cố kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2023-2028. Theo ông Sebastian Hald Buhl của Orsted, Việt Nam được coi là “một trong những nơi tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Trước những cơ hội lớn này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII – PDP8).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6 GW vào năm 2030, tầm nhìn 70 - 91,5 GW vào năm 2050, chiếm tỷ trọng lần lượt là 4%, 14,3 và 16% trong tổng cơ cấu năng lượng.

Việt Nam cần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc trong công cuộc phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, GWEC nhận định mặc dù Việt Nam đã đặt ra “các mục tiêu rất tham vọng” cho năng lượng điện gió trong lộ trình năng lượng mới trong thập kỷ này nhưng quốc gia Đông Nam Á này phải giải quyết một số thách thức trước mắt để có thể phát huy hết tiềm năng về điện gió của mình.

Những thách thức còn tồn đọng trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có thể kể đến như chưa đồng nhất khung chính sách và cơ chế khuyến khích cho từng giai đoạn triển khail; thiếu quy định rõ ràng và tính minh bạch dành cho các nhà phát triển; độ bền của lưới điện quốc gia,…

Theo Mckinsey, để “mở khóa” thành công năng lượng điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần cam kết quy định và mục tiêu rõ ràng về phát triển điện gió cho các nhà đầu tư, nâng cấp mạng lưới điện, xem xét các chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế carbon và thị trường carbon để giá năng lượng tái tạo thấp hơn, thúc đẩy việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý dành cho phát triển điện gió,…

“Nếu giải quyết triệt để những vướng mắc trên, trong vòng một thập kỷ, Việt Nam có thể đẩy nhanh cam kết không sử dụng năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á có nền kinh tế năng lượng tái tạo có giá trị cao nhất khu vực”, Mckinsey nhận định.

Tin mới lên