Số phận dự án Bến Vân Đồn của Quốc Cường Gia Lai và bà Nguyễn Thị Như Loan
Việc hàng chục cảnh sát xuất hiện tại nhà Tổng giám đốc (CEO) Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan vì liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn.
Sáng 19/7, ghi nhận của PV Dân Việt, hàng chục cảnh sát cơ động, công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM.
Trước đó, Tổng giám đốc (CEO) Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị cho là liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý.
Tuy nhiên, ngày 30/5 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai từng khẳng định "đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định".
Theo Quốc Cường Gia Lai, năm 2013, họ đàm phán, đặt cọc cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) để nhận 100% vốn tại Phú Việt Tín - chủ đầu tư của dự án. Số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ đồng như một số đơn vị đăng tải thông tin. Đồng thời, Quốc Cường Gia Lai khẳng định chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa về việc chuyển nhượng vốn góp này.
Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng thông tin, họ đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín, dự án tại khu đất Bến Vân Đồn "đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng nhận chuyển nhượng". Đầu tháng 9/2014, thương vụ này hoàn tất. Phần vốn này sau đó được QCG nhượng lại tiếp cho một đơn vị khác.
Tại Báo cáo tài chính quý III/2014 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy, Quốc Cường Gia Lai có phát sinh khoản đầu tư 453,7 tỷ đồng vào Dự án Bến Vân Đồn (Hồ Chí Minh).
Tại thuyết minh, Quốc Cường Gia Lai cho hay, đây là khoản đầu tư mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín) để đầu tư dự án Khu Trung tâm thương mại, văn phòng tại căn hộ số 39-39B Bến Vân Đồn, p. 12, q.4, TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tại thời điểm lập BCTC hợp nhất quý III, Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp này đã thoái lại toàn bộ vốn cổ phần này và đang trong quá trình hoàn tất chuyển nhượng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán được kiểm toán bởi EY năm 2014 cho thấy, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lãi gần 382 tỷ đồng từ khoản đầu tư "chớp nhoáng" này.
Tại thuyết minh chi tiết, theo hợp đồng mua bán ngày 5/9/2014, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư của mình trong Phú Việt Tín - một khoản đầu tư mới trong năm 2014 cho CTCP Bất Động Sản Thịnh Vượng với số tiền 830 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi là 381,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai là ai?
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh ngày 10/10/1960 (Canh Tý) tại Bình Định, là người sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường năm 1994 - tiền thân của Quốc Cường Gia Lai.
Trong thời gian từ năm 1994 đến tháng 2/2007, bà Loan là Giám đốc Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Từ tháng 3/2007 đến nay, bà Loan đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai.
Cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Như Loan rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT để đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc, nhằm đáp ứng quy định của công ty đại chúng. Trước đó, con trai bà Loan - ông Nguyễn Quốc Cường cũng rút khỏi doanh nghiệp.
Theo báo cáo thường niên năm 2022, bà Loan sở hữu 101,92 triệu cổ phiếu QCG, tương ứng nắm giữ 37,05% cổ phần có quyền biểu quyết tại Quốc Cường Gia Lai. Tại thời điểm này, cổ đông lớn khác của Quốc Cường Gia Lai là bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Loan sở hữu 14% vốn điều lệ.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Quốc Cường Gia Lai có khoản 78,2 tỷ đồng phải trả cho bà Nguyễn Thị Như Loan.
Ngoài ra, một pháp nhân khác liên quan đến bà Loan là CTCP Bến Du Thuyền Đà Nẵng.
Thông tin tại Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, CTCP Bến Du Thuyền Đà Nẵng (gọi tắt là Bến Du Thuyền Đà Nẵng) được thành lập ngày 27/1/2011.
Tại thay đổi ngày 1/2/2019, Bến Du Thuyền Đà Nẵng giảm vốn điều lệ từ 507 tỷ đồng xuống 290 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Quốc Cường - Gia Lai sở hữu 90% vốn (261 tỷ đồng) và bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Loan sở hữu 10% vốn điều lệ.
Thay đổi tháng 3/2020 cho thấy, Bến Du Thuyền Đà Nẵng có sự xáo trộn về cổ đông. Theo công bố, tại thời điểm này, cổ đông sáng lập bao gồm: Quốc Cường - Gia Lai sở hữu 65% vốn, bà My sở hữu 32% vốn và bà Trương Thị Thêu sở hữu 3% vốn.
Đến ngày 12/2021, Bến Du Thuyền Đà Nẵng có hai lần tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngày 14/12/2021, Bến Du Thuyền Đà Nẵng tăng vốn lên 399 tỷ đồng và đạt 639 tỷ đồng tại ngày 24/12/2021.
Tại thay đổi gần nhất vào ngày 21/5/2024, Bến Du Thuyền Đà Nẵng tăng vốn lên 736,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Hiện, Bến Du Thuyền Đà Nẵng có trụ sở tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, kiêm Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Như Loan.
Thông tin tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy, Bến Du thuyền Đà Nẵng là công ty con do Quốc Cường Gia Lai sở hữu 65% vốn điều lệ và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tính đến hết quý I/2024, Quốc Cường Gia Lai có khoản phải trả cho Bến Du Thuyền Đà Nẵng là 109,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai cũng có khoản phải trả cho Bến Du thuyền Đà Nẵng do hợp tác đầu tư trị giá 200 tỷ đồng.
Ngay sau thông tin cảnh sát xuất hiện tại nhà CEO Quốc Cường Gia Lai, cổ phiếu QCG đã giảm sàn về mức 9.070 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư tháo chạy với khối lượng dư bán tại thời điểm 13h23' (ngày 19/7) là gần 3,3 triệu đơn vị. Phiên hôm nay ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp của cổ phiếu này.
Tuy nhiên, đà lao dốc của cổ phiếu QCG được cho là bắt đầu từ khi Quốc Cường Gia Lai tổ chức bất thành cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay diễn ra vào ngày 30/6. Nếu so sánh thị giá cổ phiếu QCG tại ngày 1/7 ở quanh mốc 12.900 đồng/cổ phiếu thì đến nay, cổ phiếu QCG đã giảm 33%, tương ứng vốn hóa "bốc hơi" 1.235 tỷ đồng.
Theo thông báo từ Quốc Cường Gia Lai, nguyên nhân dẫn đến việc không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 là do bà Nguyễn Thị Như Loan gặp vấn đề về sức khỏe.
Mới đây nhất, ngày 17/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố với bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự; Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đây là động thái mới nhất khi C03 mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai rớt giá khi nhà CEO Nguyễn Thị Như Loan có 'biến'
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.