'Soi' năng lực liên danh nhà đầu tư khu dân cư An Hòa gần 700 tỷ tại Tiền Giang

Lệ Chi - 21/02/2020 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Theo kết quả UBND tỉnh Tiền Giang vừa công bố, nhà đầu tư được lựa chọn làm dự án khu dân cư An Hòa - tiểu dự án khu nhà ở thương mại là liên danh Công ty Cổ phần Him Lam và Công ty TNHH Thuận Phú (Liên danh Him Lam - Thuận Phú).

VNF
Liên danh Him Lam - Thuận Phú được lựa chọn làm khu dân cư An Hòa gần 700 tỷ tại Tiền Giang

Dự án khu dân cư An Hòa có vị trí tại xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Quy mô của dự án rộng gần 9,3ha, tổng mức đầu tư hơn 690 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thành phố Mỹ Tho.

Dự án có thời hạn sử dụng đất 50 năm, kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian xây dựng hoàn thành công trình không quá 36 tháng, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa.

Vào tháng 10/2019, Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết có 4 nhà đầu tư mua hồ sơ dự sơ tuyển dự án này gồm: Công ty TNHH Thuận Phú, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ; Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Đất xanh Tây Nam Bộ, Công ty Cổ phần Đồng Tâm.

Tuy nhiên, chỉ có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển là liên danh Him Lam - Thuận Phú (Công ty Cổ phần Him Lam - Công ty TNHH Thuận Phú) và liên danh DTM (gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Đất Xanh Tây Nam Bộ).

Trong 2 nhà đầu tư này, Sở Xây dựng tỉnh cho biết liên danh DTM không trúng sơ tuyển dự án, vì Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Đất Xanh Tây Nam Bộ không đáp ứng báo cáo tài chính năm 2016, 2017 và không đáp ứng hồ sơ mời sơ tuyển. Do đó, hồ sơ dự tuyển của liên danh này được đánh giá là không hợp lệ.

Như vậy, liên danh Him Lam - Thuận Phú vượt qua sơ tuyển và trở thành nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án khu dân cư An Hòa, TP. Mỹ Tho - Tiểu dự án khu nhà ở thương mại.

"Soi" năng lực liên danh nhà đầu tư Him Lam - Thuận Phú

Công ty Cổ phần Him Lam (địa chỉ tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM) được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương mại Him Lam. Nhà đầu tư này có 20 năm kinh nghiệm kinh doanh bất động sản với trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới, chủ yếu ở khu vực phía Nam.

Dự án để lại dấu ấn cho Him Lam hồi 2013 là khu đô thị Him Lam Tân Hưng quận 7 quy mô hơn 57ha với gần 3.000 căn hộ, hơn 1100 căn nhà, tổng mức đầu tư 6.700 tỷ và 2 dự án khác là Him Lam Reverside ở quận 7 và Him Lam Chợ lớn ở quận 6.

Hiện những dự án trên tiếp tục đang được Him Lam triển khai kinh doanh chính. Trong đó, Him Lam Chợ Lớn tại quận 6 có quy mô hơn 4ha, đây là khu chung cư cao tầng với hơn 1400 căn hộ; Him Lam Riverside tại quận 7 gồm 3 tòa chung cư với hơn 314 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.563 tỷ; Him Lam Phú An tại quận 9 với quy mô 1,8ha, tổng cộng hơn 1092 căn hộ.

Phối cảnh Him Lam Chợ Lớn.

Những dự án mà Him Lam triển khai và đưa vào khai thác kinh doanh phần lớn nằm ở TP. HCM, song những năm gần đây, doanh nghiệp này cũng có nhiều động thái trong việc thâu tóm quỹ đất lớn tại Hà Nội. 

Chẳng hạn, Him Lam đã được Hà Nội phê duyệt dự án BT nút giao thông Long Biên với tổng mức đầu tư 2.874 tỷ, đổi lại công ty được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm), 320ha đất tại các phường Long Biên, Cực Khôi thuộc quận Long Biên và 135ha đất bãi sông Hồng. Như vậy, tổng quỹ đất phát triển đô thị của Him Lam ở khu vực này khoảng 475ha.

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản khác mà tập đoàn Him Lam cũng đang triển khai tại Hà Nội. Trong đó phải kể tới trung tâm tài chính Him Lam trên phố Tôn Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội có diện tích 3.500m2, tuy nhiên, dự án này đã được Him Lam chuyển nhượng lại cho ThaiGroup;

Dự án Galaxy 2 hợp tác với TSQ Việt Nam triển khai đầu tư có quy mô 6,67ha nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc quận Hà Đông, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng; Dự án khu đỗ xe, văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà ở cho thuê tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) quy mô 24.188m2, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng;

Bên cạnh đó, có một loạt dự án đáng chú ý khác của tập đoàn này ở Long Biên, đó là khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội tổng vốn 9.500 tỷ đồng; khu công nghiệp Sài Đồng B quy mô 18ha với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng và khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái Long Biên quy mô 16ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Thành viên còn lại của liên danh là Công ty TNHH Thuận Phú, có địa chỉ tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vốn điều lệ của nhà đầu tư này hiện khoảng 78 tỷ đồng. Đây cũng là một nhà thầu lớn thường xuyên trúng các gói thầu tại tỉnh Tiền Giang.

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty Thuận Phú, với tư cách nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, đã trúng 18 gói thầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng giá trúng thầu khoảng 450 tỷ đồng.

Liên danh Thuận Phú - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang đã trúng gói thầu số 6 thi công san nền; hạ tầng kỹ thuật (nền đường, vỉa hè, cây xanh) thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang (giá trúng thầu 103,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, liên danh này cũng trúng gói thầu xây lắp hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải hạ tầng kỹ thuật - Khu trung tâm hành chính huyện Cai Lậy (giai đoạn 1) với giá trúng thầu 59,191 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.