South China Morning Post: Hãy quên ‘Made in China’ và nói xin chào với ‘Made in Vietnam’

Hải Linh - 04/08/2018 13:37 (GMT+7)

(VNF) - “Nguyễn Bá Hội không sản xuất điện thoại thông minh và thép xuất khẩu. Thay vào đó, anh ấy tham vọng đưa đất nước của mình thành một trung tâm đổi mới”, tờ South China Morning Post (SCMP - Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) nói về tiềm lực đổi mới của Việt Nam bằng cách kể câu chuyện về Nguyễn Bá Hội, Founder của Maker Spaces – Không gian dành cho cộng đồng sáng tạo nằm trong khuôn viên Đại học Đà Nẵng.

VNF
Sinh viên Đại học Đà Nẵng trò chuyện với khách thăm quan Maker Spaces

Hãy quên “Made in China”. Có một "thanh âm" mới trên toàn cầu: “Made in Việt Nam” – Tác giả Karim Raslan của SCMP mở đầu bài viết của mình.

Thật vậy, quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá này đã nhanh chóng định vị mình như là một trung tâm sản xuất chính của thế giới.

Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trị giá 277 tỷ USD. Khoảng 25% trong số đó đến từ Samsung, ngoài ra, chiếm tỷ trọng lớn còn có  thép và đồ nội thất.

Nhưng người Việt Nam không chỉ gia công mà đang cố gắng tạo ra các giá trị gia tăng một cách đáng ngạc nhiên. Điều này được thể hiện rõ ở Đà Nẵng.

Nguyễn Bá Hội không sản xuất điện thoại thông minh và thép xuất khẩu. Thay vào đó, anh ấy tham vọng đưa đất nước của mình thành một trung tâm đổi mới. Anh ấy dành thời gian của mình trong “Không gian của nhà sản xuất” (Maker Spaces) hiện đại và đẹp mắt tại Đà Nẵng", tác giả Karim Raslan viết.

Cộng đồng sáng tạo đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Marker Spaces để tiến hành phát minh và thử nghiệm các sản phẩm mới.

Anh Nguyễn Bá Hội (bên phải) và sinh viên tại Maker Spaces

“Sinh viên đại học đến đây để tìm hiểu về sự cân bằng nhiệt hoặc tạo ra một nhạc cụ trong 2 giờ. Tại đây, chúng tôi cũng đang phát triển một thiết bị để giúp bệnh nhân bị đột quỵ" - Hội giới thiệu về Maker Sapces.

Hội sinh ra ở làng quê Bình Lân, tỉnh Quảng Nam, với dân số hơn 1,4 triệu người. Cho đến tận ngày hôm nay, làng Bình Lân của Hội vẫn là một vùng quê "khiêm tốn", nếu không muốn miêu tả là lạc hậu với "đường một làn xe và nhà phố một tầng được bao quanh bởi những ngọn đồi nhìn ra những khu rừng bất tận".

“Cả bố mẹ tôi đều là giáo viên tiểu học và nông dân bán thời gian, thu nhập của họ rất thấp”, Hội nói.

“Tôi sinh ra ở một vùng rất nghèo… Tôi đến Đà Nẵng để học tập và làm việc rất chăm chỉ, vì vậy tôi có thể hỗ trợ cha mẹ tôi. Tôi nặng 38 kg và ngủ 4 tiếng một ngày, thời gian còn lại để học tiếng Anh… Tôi muốn đi ra nước ngoài để học thêm”, Nguyễn Bá Hội chia sẻ về thời sinh viên của mình.

Làng Bình Lân, quê hương của Nguyễn Bá Hội

Sau khi lấy bằng Kỹ sư điện và điện tử tại Đại học Đà Nẵng, Hội tiếp tục học thạc sỹ về Vi điện tử tại Học viện Công nghệ Châu Á của Thái Lan.

Sau đó, anh ấy chuyển đến Munich, nơi mà Hội đã tham gia phát triển hệ thống hộp đen cho Mercedes-Benz.

Rời Munich, Hội đến Đại học Công giáo Hoa Kỳ tại Washington lấy bằng tiến sĩ về Kỹ thuật y sinh học. Lúc này, người đàn ông 39 tuổi đầy tham vọng mới vui mừng trở về "nhà", chính là dải đất miền Trung Việt Nam.

“Khi tôi nghe về công nghệ mới nhất, đó luôn là phát minh của một người Đức hoặc người Anh. Tại sao không phải ai đó đến từ Việt Nam?", Hội nói về lý do ra đời của Maker Spaces.

Về Việt Nam, Nguyễn Bá Hội lập ra Maker Spaces nằm trong khuôn viên trường Đại học Đà Nẵng. Đó là năm 2015. Không gian này bao gồm máy in 3D, máy cắt laser và tất cả các loại tiện ích công nghệ hiện đại.

"Đây là điều mà những địa điểm như Maker Spaces có thể làm: cung cấp cho những người trẻ tuổi Việt Nam một cơ hội để tạo nên tên tuổi cho mình”, Hội chia sẻ về những giá trị mà Maker Spaces có thể mang đến cho cộng đồng trẻ.

Thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ có hơn 1 triệu người. Đà Nẵng sẵn sàng đóng vai trò chủ chốt cho các sáng kiến kinh doanh và trung tâm công nghệ như Maker Spaces. Hội và những người như anh có thể thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ và đổi mới trong nước.

FPT - Công ty công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam, đang tìm cách biến đô thị ven biển này thành "thành phố thông minh" vào năm 2020.

FPT đã đầu tư 658.000 USD vào các dự án thí điểm như quản lý tín hiệu giao thông trong thời gian thực và hệ thống ghi âm điện tử trong bệnh viện.

Đổi mới thậm chí đã được thấm nhuần bởi những người quản lý thành phố. Là một phần trong nỗ lực trở thành "thành phố xanh" vào năm 2025, Đà Nẵng đã loại bỏ được 12.000 tấn khí thải carbon bằng cách giới thiệu các loại xe và máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Khẩu hiệu của Maker Spaces: "Thiết kế tương lai"

Trong khi nhiều nền kinh tế của khu vực đang chững lại - đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang thì tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 7,38 % trong quý đầu tiên của năm 2018.

Hồi đầu năm nay, hơn 60 công ty Mỹ, từ Microsoft đến IBM, hội tụ vào Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội trong Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm 7 tỉnh.

Tuy nhiên, chỉ với 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, Việt Nam có thể phải đối mặt với một rào cản về khả năng mở rộng năng lực sản xuất của mình, ngoại trừ chuyện gia công.

Nhưng Hội vẫn lạc quan.

“Tôi yêu triết lý tại Maker Space: Khi bạn đến đây, bạn có thể đổi mới và thất bại rất nhanh. Nhưng bạn thử lại và sau đó bạn thành công. Trước khi thành công, chúng ta phải thất bại rất nhiều. ”

Vượt qua thất bại, chính là cách để chúng ta "thiết kế tương lai", giống như khẩu hiệu của Maker Spaces "Design the future”.

Cùng chuyên mục
Tin khác