Tài chính tiêu dùng

SSI: Ngành bảo hiểm năm 2024 sẽ không có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế

(VNF) - SSI cho rằng trong một năm được đánh giá là có sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành bảo hiểm sẽ kém khả quan hơn so với các ngành khác. Ngành bảo hiểm dự kiến sẽ không đạt được tăng trưởng lãi trước thuế trong năm 2024 so với mức tăng 35% của năm 2023.

SSI: Ngành bảo hiểm năm 2024 sẽ không có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế

(Ảnh minh hoạ)

Công ty Chứng khoán SSI vừa có báo cáo về triển vọng ngành bảo hiểm năm 2024. Theo đó, SSI kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ phục hồi trong năm 2024 (tăng 7%) sau năm 2023 nhiều khó khăn khi doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 227.000 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022), nhưng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ không diễn biến cùng chiều do môi trường lãi suất thấp tiếp tục là thách thức đối với ngành.

Sự gia tăng trong tổng danh mục đầu tư và diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán có thể vẫn không đủ bù đắp hoàn toàn cho mức giảm của lãi suất huy động. Do đó, thu nhập tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm niêm yết trong năm 2024 dự báo sẽ không được thuận lợi như năm 2023 (tăng 34% so với cùng kỳ trong năm 2023).

“Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ kết hợp và lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm do áp lực cạnh tranh gay gắt. Nhìn chung, chúng tôi dự báo ngành sẽ không có tăng trưởng về lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 (so với mức tăng 35% trong năm 2023)”, các chuyên gia của SSI cho biết.

Riêng Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), SSI ước tính lợi nhuận trước thuế sẽ đạt mức tăng 3,7% trong năm 2024 do công ty có khả năng cải thiện tỷ lệ kết hợp. Bên cạnh đó, BVH có 15% tiền gửi ngân hàng dài hạn và tổng danh mục đầu tư dự báo có thể tăng 15%.

SSI cho rằng, trong một năm được đánh giá là có sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành bảo hiểm sẽ kém khả quan hơn so với các ngành khác.

Chia nhỏ bức tranh ngành bảo hiểm thành 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ, SSI dự báo doanh thu phí mảng bảo hiểm nhân thọ năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 5%, đạt 164.000 tỷ đồng khi mà người tiêu dùng chưa có kỳ vọng chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế.

SSI cho rằng cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh bancassurance. Cùng với nỗ lực mang lại tính minh bạch cho thị trường từ phía cơ quan quản lý, cần có sự phối hợp chủ động hơn ở tất cả các cấp của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, từ trụ sở chính đến chi nhánh.

Ngoài ra, SSI cho rằng Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính (về hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm) và Luật Các tổ chức tín dụng cũng sẽ tác động đến doanh thu của mảng bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, thông điệp của Thông tư 67 là hướng tới việc thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và minh bạch về dài hạn của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách cần có thời gian để thích nghi, những quy định mới cũng có thể có ảnh hưởng nhất định tới việc phục hồi về tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới trong ngắn hạn.

SSI đã chỉ ra các điều khoản dự báo sẽ có tác động mạnh đến doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Thứ nhất là hoa hồng phí bảo hiểm năm đầu tiên cho các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị phát hành sau ngày 1/7/2024 sẽ giảm từ 40% xuống còn 30%. Các sản phẩm này chiếm 82% doanh thu phí khai thác mới trong nửa đầu năm 2023.

Thứ hai là từ tháng 11/2023, các ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời gian trước và sau 60 ngày ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Thứ ba là các đại lý/ngân hàng/công ty bảo hiểm phải có nhiều trách nhiệm hơn (Yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của đại lý...).

Về Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 tới đây, luật sẽ nghiêm cấm việc gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm/dịch vụ khác của ngân hàng dưới mọi hình thức. SSI cho rằng điều này có thể gây ra nhiều thách thức hơn đối với doanh thu bancassurance trong năm 2024.

SSI kỳ vọng tâm lý thị trường trong năm 2024 sẽ không bị ảnh hưởng bất ngờ như năm 2023, giúp các khoản chi trả đáo hạn và chấm dứt hợp đồng không bị tăng đột biến so với cùng kỳ. Tác động này sẽ bù đắp phần nào cho chi phí dự phòng toán học tăng lên khi lãi suất kỹ thuật được điều chỉnh giảm. Do đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ dự báo duy trì ổn định hơn trong năm 2024.

(Ảnh minh hoạ)

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, SSI cho rằng mảng này sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2024. Theo đó, doanh thu ô tô và xe máy trong năm nay dự kiến lần lượt tăng 9% và tăng 4%, hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch… phục hồi được dự báo sẽ hỗ trợ việc tăng doanh thu phí bảo hiểm.

Hơn nữa, với tỷ lệ bồi thường năm 2023 cao hơn so với năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ xem xét tăng phí bảo hiểm cho năm 2024. Nhìn chung, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024 dự kiến sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2023, đạt 80.000 tỷ đồng.

SSI cho rằng bối cảnh cạnh tranh mảng bảo hiểm phi nhân thọ chưa có nhiều thay đổi trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh giành thị phần thông qua giảm phí bảo hiểm.

Tuy nhiên, SSI cho rằng lợi nhuận hoạt động đầu tư của toàn ngành bảo hiểm sẽ không khả quan như năm 2023. Các doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi từ việc lãi suất huy động tăng mạnh trong giai đoạn tháng 10/2022 tới tháng 4/2023 (tăng 370 điểm cơ bản lên mức trung bình là 9,4%) do 78% danh mục đầu tư của những doanh nghiệp này là tiền gửi ngân hàng.

Do đó, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng 34% so với cùng kỳ trong năm 2023 – động lực chính đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 35%. Đối với năm 2024, lợi suất hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo giảm về mức 5-5,2% theo quan điểm của SSI.

Vốn hóa nhóm ngành bảo hiểm giảm 6%, yếu hơn so với diễn biến của VN-Index trong năm 2023 khoảng 18%. MIG là cổ phiếu có mức tăng giá tốt nhất trong năm (tăng 39%). Điều này là nhờ kết quả kinh doanh rất tốt (lãi sau thuế tăng 76%) và tâm lý tích cực từ việc Pyn Elite Fund liên tục mua ròng và tăng gấp đôi tỷ lệ sở hữu lên khoảng 8%. Trong khi đó, mặc dù lãi sau thuế tăng tốt (tăng 44%) nhưng giá cổ phiếu BIC lại giảm nhẹ 1% trong năm 2023.

Theo SSI, định giá ngành hiện tại đã trở về vùng tương đối hợp lý so với giai đoạn trước đây, với P/B trượt 12 tháng bình quân là 1,25 lần (so với 1,37 lần cuối năm 2022 và 1,81 lần cuối năm 2021). Tuy nhiên, mức này cũng phản ánh triển vọng lợi nhuận không quá khả quan trong năm 2024.

Theo quan điểm của SSI, những yếu tố có thể tác động tích cực hơn kỳ vọng đối với giá các cổ phiếu bảo hiểm có thể đến từ tiến triển trong quá trình IPO/cổ phần hóa các công ty con bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của BVH bao gồm BaoViet Life và BVGI.

 

Tin mới lên