Sự lệ thuộc vốn vay của Năm Bảy Bảy (NBB)

Ái Châu Tử - 12/02/2022 14:30 (GMT+7)

(VNF) – Năm 2021, tổng giá trị nợ vay của NBB tăng gấp 2,3 lần, riêng vay ngắn hạn tăng gấp 2,7 lần. Dòng tiền vay - trả cũng tăng lần lượt 100% và 50% so với năm trước. Tình trạng này xảy ra khi NBB có một năm kinh doanh mảng cốt lõi khá tồi tệ và dòng tiền kinh doanh âm tới 846 tỷ đồng.

VNF
Sự lệ thuộc vốn vay của Năm Bảy Bảy (NBB)

Quý IV thất bát, cả năm sống nhờ doanh thu tài chính

Theo báo cáo hợp nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB), quý IV/2021, doanh thu thuần chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm tới 99,6% so với cùng kỳ năm trước. Do xuất bán âm, lợi nhuận gộp ghi nhận 39 tỷ đồng, song vẫn giảm 89%.

Trong quý, doanh thu tài chính là điểm sáng với 40 tỷ đồng, tăng gấp 58 lần cùng kỳ. Các loại chi phí cũng giảm mạnh: chi phí tài chính giảm 62% (đạt 38 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 99% (232 triệu đồng).

Tuy vậy, hai điểm trừ là chi phí quản lý tăng 50% (15 tỷ đồng) và lỗ khác (10 tỷ đồng).

Kết quả, NBB chỉ có lãi trước thuế 15 tỷ đồng, giảm 93%. Lãi sau thuế 3 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần đạt 565 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 241 tỷ đồng, giảm 69%.

Trong năm, các loại chi phí giảm đáng kể: chi phí tài chính giảm 18%, chi phí bán hàng giảm 97%, chỉ có chi phí quản lý tăng 71%.

Tuy nhiên, điểm sáng nhất và cũng là “phao cứu sinh” của NBB là doanh thu tài chính đột biến, tăng tới 22 lần, đạt 434 tỷ đồng (chủ yếu là doanh thu từ chuyển nhượng quyền).

Nhờ doanh thu tài chính, NBB có lãi trước thuế 439 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 4% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lãi sau thuế còn tăng 3% so với năm 2020, đạt 338 tỷ đồng.

Sự lệ thuộc vốn vay

Về tài sản, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của NBB là 4.490 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn giảm 22% xuống 866 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu dài hạn tăng gấp 10 lần, lên 605 tỷ đồng. Hàng tồn kho không mấy “nhúc nhích”, đạt 914 tỷ đồng, đa số là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang các dự án.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại thời điểm kết năm 2021 là 2.556 tỷ đồng, tăng 10%. Nợ ngắn hạn chiếm đa số (86%) đạt 2.193 tỷ đồng.

Điểm nhấn lớn nhất trong cơ cấu nợ là sự gia tăng của khoản vay ngắn hạn, tăng 2,7 lần, đạt 837 tỷ đồng, chủ yếu là do: tăng vay cá nhân (670 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần), vay công ty mẹ - CII 125 tỷ đồng.

Khoản vay dài hạn cũng tăng 62% lên 352 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay của NBB đã tăng 2,3 lần so với đầu năm, đạt 1.189 tỷ đồng.

Sự gia tăng của nợ vay, tất yếu làm gia tăng chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay năm 2021 tăng 19 lần so với năm trước đó, đạt 58 tỷ đồng.

Tình trạng lệ thuộc vào vốn vay của NBB càng rõ ràng hơn nữa nếu nhìn vào dòng tiền vay – trả năm 2021. Cụ thể, tiền thu từ đi vay đạt 1.245 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước; tiền trả gốc vay đạt 574 tỷ đồng, tăng 50%.

Việc gia tăng nợ vay xuất phát từ việc NBB kinh doanh kém sắc. Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty âm tới 846 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (375 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (742 tỷ đồng), tăng các khoản trả trước (93 tỷ đồng).

Để tiết kiệm, trong năm 2021, NBB đã phải bớt chi tiêu mua sắm tài sản (52 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa năm trước) và tăng cường thanh lý tài sản.

Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần cả năm vẫn âm 37 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền giảm 55% so với đầu năm, chỉ còn 30 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác